Nhóm hàng thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm… sẽ được các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết.
Lượng hàng chuẩn bị tăng gần 30%
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết Sở đã phối hợp các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, bình ổn thị trường (BOTT).
Cụ thể, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng tết là hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm từ ngày 26/12/2019 đến 24/1/2020 (tức ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, hàng BOTT là 4.088,5 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng tăng mạnh so với năm trước
Lượng hàng chuẩn bị cung ứng thị trường Tết tăng 14,6- 17,3% so kế hoạch thành phố (TP) giao và tăng 21 – 28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Các nhóm hàng thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo,… được chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 20 – 53,2% nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, đơn vị này dự trữ tổng lượng hàng hóa phục vụ tết tăng từ 15–40% (tùy ngành hàng) so với năm trước. Chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu, hàng đặc trưng tết.
Đặc biệt, các nhóm đặc sản 3 miền dự kiến sẽ được bổ sung mới khoảng hơn mười loại sản phẩm của đủ 3 miền Nam – Trung – Bắc. Bên cạnh đó, nhóm hàng nhãn riêng như các loại hạt, mứt, bánh kẹo, nước giải khát với giá thấp hơn 5–30% so với sản phẩm cùng chủng loại.
Hệ thống siêu thị Big C cũng đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Canh Tý 2020 tăng khoảng 25% so với tết trước. BigC ưu tiên cho một số nhóm sản phẩm trong nước, chẳng hạn, các loại bánh kẹo đóng hộp sẽ có đến trên 95% là hàng Việt.
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó TGĐ Sài Gòn Food cũng cho biết, công ty chuẩn bị hơn 2.000 tấn thành phẩm cho mùa Tết Canh Tý, cao hơn 33% so với Tết Kỷ Hợi. Ngoài các SP hải sản đông lạnh, lẩu các loại… năm nay Sài Gòn Food ra thị trường SP “bánh chưng sum vầy” với nhiều nhân mới lạ như: thịt, đậu xanh, trứng muối, nấm đông cô, hạt sen… cho phép thời hạn bảo quản đến 3 tháng.
Nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tết năm nay chịu áp lực giá thành đầu vào tăng mạnh như nhóm hàng thịt heo
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) lên kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 7.500 tấn hàng hóa, gồm: 2.500 tấn thịt heo, bò tươi sống (tăng 5% so với cùng kỳ), 5.000 tấn thực phẩm chế biến (tăng 17% so với cùng kỳ). Đại diện Vissan cho biết, tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết Canh Tý 2020 khoảng 800 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Kỷ Hợi 2019.
Bình ổn giá, tăng bán hàng lưu động
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, theo Sở Công Thương TP.HCM, các DN tham gia chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN trên địa bàn TP sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo… Các hệ thống phân phối lớn như: Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức chương trình khuyến mại giảm giá từ 5-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt…
Theo Lê Thị Thanh Lâm, Sài Gòn Food có kế hoạch phối hợp với hơn 300 siêu thị ở 10 hệ thống chuỗi siêu thị lớn giới thiệu SP mới và các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, giảm giá từ 20–30% nhiều mặt hàng.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá sớm để giảm áp lực mua sắm cho người dân, những ngày cận Tết. Hệ thống giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn 10.000 SP phục vụ Tết và trong mười ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa.
Ngoài ra, các DN tham gia chương trình BOTT của TP sẽ tăng cường các chuyến bán hàng lưu động từ nay đến Tết, thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 350 chuyến. Theo Sở Công Thương TP.HCM, các đơn vị tập trung tăng cường thực hiện tại các quận ven – huyện ngoại thành, khu chế xuất – khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, hai ngày trước tết sẽ là khoảng thời gian các chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh nhất
Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải DN tham gia chương trình BOTT để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán. Đồng thời, Sở vận động các hệ thống siêu thị kéo giản thời gian phục vụ khách hàng.
Bộ Công Thương cũng vừa cóChỉ thị yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Sở Công Thương các tỉnh cũng được yêu cầu phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa BOTT trước, trong và sau Tết…
Theo Nguyễn Cẩm/PNO
Bình luận (0)