Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng tiêu dùng ồ ạt về cảng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các nhà kinh doanh hàng tiêu dùng đang mạnh tay nhập hàng để bán cuối năm. Hàng điện tử, rau quả, sữa, thực phẩm đông lạnh, hàng thời trang, đồ dùng gia đình, rượu bia, nước ngọt chất đầy ở các cảng TP.HCM.

Mạnh tay “đánh” hàng

Tại cảng Cát Lái (Q.2) – nơi chiếm tới 80% tổng lượng hàng nhập khẩu vào TP.HCM và các khu vực lân cận, hàng hóa nhập khẩu đang đổ dồn về nhiều hơn hẳn so với cách đây 1-2 tháng. Khắp các khu hàng nhập khẩu, container chứa hàng chất cao 3-4 tầng. Máy móc xếp dỡ làm việc liên tục. Tình hình khác hẳn so với hồi tháng 9, tháng 10 thời điểm các container thực phẩm đông lạnh nhập khẩu về cảng tồn đọng chờ kiểm nghiệm. Theo các doanh nghiệp vận tải, các đội xe tải cũng được huy động hết công suất.

Gian hàng thực phẩm Hàn Quốc tại siêu thị Maximark, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.
Theo Công ty TNHH THO (TP.HCM), trước đây mỗi tháng chỉ nhập 10-12 container cánh gà, đùi gà thì nay đã tới 40 container/tháng. Theo ông Kevin Thơ – giám đốc công ty, cuối năm là thời điểm thực phẩm đông lạnh tiêu thụ mạnh nhất. Các tháng trước mặt hàng tiêu thụ mạnh chủ yếu là đùi gà góc tư, cánh gà. Nhưng chỉ khoảng một tháng nữa, như mọi năm mức tiêu thụ thịt bò sẽ tăng 30-35% so với nhu cầu thông thường nên các đầu mối nhập khẩu thịt đông lạnh đã bắt đầu tăng nhập khẩu thịt bò.
Tình hình diễn ra tương tự ở mặt hàng quần áo thời trang. Một số công ty chuyên nhập khẩu quần áo cho biết hàng về tăng 40-50% so với ngày thường. “Tháng vừa rồi tôi nhập hơn 4.000 chiếc áo thun từ Thái Lan và quần jean Trung Quốc. Điểm mới của năm nay là hàng jean và quần tây về từ Philippines khá nhiều dù giá cao hơn hàng Trung Quốc khoảng 20-30%. Có lẽ hàng mới lạ nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, chúng tôi đang tiếp tục đánh thêm chuyến cuối năm nữa” – bà Vũ Thị Vân, tiểu thương kinh doanh quần áo thời trang khu vực chợ An Đông (Q.5), cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, rượu bia, nước ngọt cũng đang dồn dập đổ về VN. Một số nhà nhập khẩu cho biết đã tăng lượng rượu và bia nhập tới 2-3 lần so với tháng 8, tháng 9. Theo số liệu của ngành hải quan, so với thời điểm này năm ngoái, bia rượu nhập khẩu về qua cảng Cát Lái đã tăng 50-55%.
Nhập nấm tươi, mì gói
Theo ước tính của hải quan TP.HCM, một số mặt hàng tiêu dùng có kim ngạch nhập khẩu tăng trong tháng 11 như sữa và các sản phẩm sữa tăng tới 17 triệu USD, hàng điện tử tăng 47 triệu USD…
Ông Nguyễn Bá Định, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, nhận xét hàng hóa nhập khẩu qua cửa ngõ này tăng rất mạnh trong thời gian gần đây và đa số là hàng tiêu dùng.
 

Gần đây, các siêu thị trong hệ thống Maximark dành hẳn một khu vực cho hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Các kệ hàng này đầy ắp mì gói, mì Udon (loại mì sợi to) hay các loại gia vị với giá 9.000-100.000 đồng/sản phẩm. Khách đa số là giới trẻ hoặc người nội trợ là nhân viên văn phòng, có thu nhập khá. Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cho biết trước đây siêu thị trưng bày chung hàng nhập khẩu với những mặt hàng khác nhưng khách cảm thấy khó lựa chọn, trong khi sức mua tăng cao. Vì vậy nhà bán lẻ quyết định dành hẳn kệ riêng để trưng bày hàng nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiện nay Maximark nhập khoảng 800 mặt hàng từ Hàn Quốc, đa số là thực phẩm như mì gói, mì sợi, bánh kẹo, gia vị xốt, dầu mè… Ban đầu gian hàng chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc, Nhật Bản sinh sống và làm việc tại VN, nhưng dần dần người tiêu dùng VN tìm mua khá đông. Giá một gói mì ăn liền nhập từ Hàn Quốc từ 10.000-40.000 đồng, đắt hơn 8-10 lần hàng VN nhưng lại bán chạy do khẩu vị lạ, sợi mì dai, không bị nở như mì gói VN. Gần đây siêu thị có nhập thêm nấm tươi Hàn Quốc, một số rau củ quả, trái cây…
Các nhà nhập khẩu thừa nhận hàng hóa Hàn Quốc, Nhật Bản thường đắt hơn 3-4 lần so với hàng cùng loại trong nước. Đơn cử nấm Hàn Quốc có giá 17.500 đồng/gói, trong khi nấm của các cơ sở trong nước chỉ 13.000 đồng/gói.
Tại hệ thống Citimart, sự hiện diện của các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng tăng khá rõ nét, từ thức uống giải khát đến kem lạnh, bánh kẹo… Nhưng nơi bán đa dạng các chủng loại hàng nhập nhất có lẽ là siêu thị Lottemart. Có thể thấy tâm điểm của siêu thị này là các kệ hàng trưng bày hàng hóa Hàn Quốc, chưa kể gian thực phẩm chế biến vốn đã mang đặc thù của siêu thị do người Hàn Quốc đầu tư này. Khách có thể tìm thấy những mặt hàng đầy đủ cho một bữa cơm người Hàn như ớt xanh, rau thơm đến kim chi, dưa cải muối…
Do giảm thuế
Sau sự xuất hiện của hai hệ thống siêu thị nhỏ chuyên bán hàng Nhật là Hachi Hachi và Daiso, TP.HCM xuất hiện thêm siêu thị Akuruhi chuyên kinh doanh hàng Nhật. Khác với hai siêu thị đồng giá kia, Akuruhi kinh doanh đầy đủ từ các mặt hàng tươi sống, thực phẩm đông lạnh chế biến nhập trực tiếp từ Nhật như lươn, bạch tuộc, cá hồi… đến các mặt hàng chén bát, đũa, dầu gội, sữa tắm…
Điều đáng lưu ý là hàng nhập khẩu vào VN đang được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích xuất khẩu của một số nước. Ông Lê Mạnh Hùng, giám đốc kinh doanh siêu thị Akuruhi, cho biết để kích thích sản xuất trong khi tiêu dùng của người dân gần như bão hòa, Chính phủ Nhật đã cắt giảm thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng còn 0-5%.
Bà Thùy Trang, giám đốc hệ thống siêu thị Daiso, cho rằng tuy đồng yen tăng giá so với VND nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản luôn có chính sách ưu đãi tốt cho đối tác VN, nhập hàng số lượng càng lớn giá càng rẻ. Bên cạnh đó, theo nội dung thông tư số 77 Bộ Tài chính vừa ban hành về việc áp dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2010-2011, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào VN sẽ được giảm thuế. Các mặt hàng như thịt cừu, trâu, bò, heo… thuế giảm chỉ còn 7-10%. Các mặt hàng sữa có mức thuế phổ biến từ 10-15%. Các mặt hàng cá, hoa quả có thuế suất 15-20%…
Nguồn TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)