Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/6/2011, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 16% so với cùng thời điểm năm trước.
Nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng thấp, chỉ đạt 5,57% và nếu nhìn thêm vào chỉ số tồn kho, cũng như sức mua của dân cư, thì lại càng lo thêm nữa cho sản xuất – kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Các chỉ số này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sức mua cuối cùng của dân cư, biểu hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, là một trong những đầu ra quan trọng của sản xuất.
Nếu sức mua yếu, sản phẩm làm ra không bán được, thì không thúc đẩy được sản xuất, cũng không thể tạo động lực cho tăng trưởng. Đáng lo là, điều này có vẻ đang diễn ra trong thực tế.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm tăng rất mạnh, lên tới 22,6%, nhưng sau khi trừ đi yếu tố giá cả, chỉ còn tăng 5,7%, một mức tăng rất thấp. Nhiều năm gần đây, mức tăng trung bình của chỉ số này đều khoảng 10%.
Những sản phầm tồn kho mang bán hạ giá có đóng góp vào chỉ số tăng trưởng của ngành dệt may? (Ảnh minh họa: B.Hường) |
Dễ hiểu vì sao sức mua đã tăng chậm lại đáng kể trong thời gian vừa qua.
Lạm phát cao khiến thu nhập thực tế của người dân giảm sút và kéo theo đó là chuyện thắt chặt chi tiêu. Ngay cả Chính phủ, trên một bình diện nào đó, cũng đang thực hiện chính sách thắt lưng, buộc bụng
Sức mua yếu, trong khi doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì sản xuất – kinh doanh, tất yếu dẫn tới tồn kho lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/6/2011, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 16% so với cùng thời điểm năm trước. Đáng chú ý, trong số này, nhiều ngành hàng, mặt hàng có mức tồn kho rất cao, như bia (tăng 94,3%); giường, tủ, bàn ghế (tăng 71,7%); giày dép (tăng 59,4%); đồ uống không cồn (tăng 39,9%)…
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mức tồn kho như vậy là cao và điều đó làm giảm giá trị của tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Không những vậy, nếu tình trạng này kéo dài, khi hiệu quả sản xuất – kinh doanh kém, DN buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng hoạt động.
Con số mới đây mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội trích dẫn nguồn từ cơ quan thuế cho thấy, từ đầu năm đến nay, có khoảng 30% DN có đăng ký kinh doanh phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất có thể cũng là hệ quả tất yếu của vòng xoáy sức mua yếu, tồn kho cao.
Theo Nguyên Đức
Đầu tư
Đầu tư
Bình luận (0)