Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hàng trăm tỉ đồng đối phó sụt lún

Tạp Chí Giáo Dục

Sụt lún tại ĐBSCL đang diễn ra khiến nhiều địa phương đã bắt đầu phải chịu tác động với chi phí khắc phục lớn…
Hàng trăm tỉ đồng đối phó sụt lún
Khu vực chợ Hếu (xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún vào mùa khô năm 2016 – Ảnh: Nguyễn Hùng

Đơn cử, riêng tại Cà Mau, trong năm 2016 có 113km đường giao thông nông thôn của tỉnh bị hư hỏng do sụt lún, sạt lở.

Một báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh cho biết hằng năm tỉnh phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để đối phó với tình trạng sạt lở, sụt lún, nước dâng.

Qua nhiều năm quan trắc, Sở NN&PTNT Cà Mau khẳng định chỉ trong vòng 5 năm, mực nước tại cửa sông Gành Hào 
đã dâng cao 0,73m.

Nếu năm 2007, mực nước đo được tại cửa sông này là +1,5m thì năm 2012, mực nước đo được tại đây đã là 2,23m.

Cà Mau có thể lún tới 5cm/năm

Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) trong một nghiên cứu công bố từ năm 2012-2013 cũng khẳng định sụt lún đất là một vấn đề thường xảy ra trên vùng ĐBSCL đến Cà Mau. Theo nghiên cứu, sụt lún ở Cà Mau có thể từ 2-5cm/năm.

Trong khi đó, hầu hết diện tích đất ở Cà Mau chỉ nằm cao hơn mực nước biển dưới 1,5m; điều này có nghĩa hầu hết diện tích toàn bộ tỉnh sẽ chìm dần xuống biển trong vài thập kỷ nữa nếu tiếp tục khai thác nước dưới đất.

NGI cho rằng họ đã có bằng chứng xác đáng cho thấy hầu hết các tỉnh ĐBSCL cũng đang đối mặt với mối đe dọa sụt lún đất tương tự ở Cà Mau do khai thác nước dưới đất, đe dọa cuộc sống của 24 triệu người trong vùng.

Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết ban đầu ông cũng chưa hoàn toàn tin vào những khuyến cáo của NGI, bởi tại báo cáo, họ lưu ý đây chỉ là những thông tin ban đầu (giai đoạn 1).

Tuy nhiên, với những con số quan trắc triều cường, ông đã chú ý đến nguyên nhân đất đang bị sụt lún “chứ không có “cửa” nào hằng năm nước biển dâng lên đến chừng đó” – ông Nam nhận định.

Còn theo một báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 141.226 giếng nước ngầm, nhiều nhất khu vực ĐBSCL (cứ mỗi kilômet vuông có 30 giếng nước ngầm).

Cứ mỗi ngày đêm, người dân Cà Mau lấy gần 400.000m3 nước ngầm. Bị khai thác quá mức, nhiều giếng nước ngầm đã không còn nước để bơm.

Tại Cà Mau, đã có trên 2.100 giếng nước bỏ vì hết nước. Một cán bộ quản lý nước Sở TN-MT Cà Mau cho biết các giếng nước bị bỏ này trở thành nguy cơ gây ô nhiễm hệ thống nước ngầm. Hiện Cà Mau đã lấp được 1.500 giếng. Dự kiến đến giữa năm nay, tỉnh sẽ trám hết các giếng hư hỏng.

Sẽ xây hồ chứa nước

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ), lún có thể gây một số ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng như làm đường bị ngập sâu hơn, một số công trình nhà cửa bị nứt rõ hơn…

Tuy nhiên mức độ lún có ảnh hưởng tới các công trình cao tầng hay chưa, ông Tuấn cho rằng phải tùy công trình cụ thể, có quan trắc cụ thể, chưa thể đưa ra khuyến cáo gì…

Ông Tô Quốc Nam cho biết để có nước ngọt, Cà Mau đã tính đến nhiều phương án bao gồm cả việc dẫn nước từ sông Hậu về Cà Mau.

Trước mắt, Cà Mau sẽ xúc tiến dự án xây dựng hồ chứa nước diện tích 100ha để phục vụ ba huyện phía bắc là U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời.

Tổng mức đầu tư cho dự án này là 200 tỉ đồng. Về lâu dài, tỉnh Cà Mau rất cần có hệ thống bờ bao, hệ thống cống điều tiết nước. Bên cạnh đó, phải có phương án di dời dân ở một số vùng nhạy cảm.

TIẾN TRÌNH – CHÍ QUỐC (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)