Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Hàng tỷ điện thoại dùng mạng GSM có nguy cơ bị nghe lén

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: Cell-key.

Một nhà khoa học người Đức đã công bố chi tiết về đoạn mã bí mật vốn được sử dụng để bảo mật các cuộc đàm thoại của hơn 4 tỷ người dùng điện thoại di động trên thế giới.

Karsten Nohl cùng với các chuyên gia khác đã dành 5 tháng để phá thuật toán A5/1, ra đời cách đây 22 năm và đang được nhiều mạng di động GSM sử dụng. Kết quả là bất cứ ai, kể cả tội phạm, có thể ghi lại các cuộc gọi riêng tư.

"Chúng tôi chỉ muốn cảnh báo mọi người về lỗ hổng có nguy cơ ảnh hưởng trên diện rộng này nhằm tạo sức ép về một chuẩn mã hóa an toàn hơn", Nohl trả lời trên BBC.

Nohl tuyên bố kế hoạch này tại Hội thảo Hacking at Random (HAR) ở Hà Lan hồi tháng 8. Để thực hiện, ông và các thành viên khác sử dụng các mạng lưới máy tính và tính toán khả năng kết hợp giữa các luồng input (nhập) và output (xuất) của mã bảo mật. Những khả năng này lên đến "hàng nghìn tỷ".

Tất cả output đã được liệt kê và "giống như một cuốn danh bạ, nếu ai đó đưa cho bạn một cái tên, bạn có thể tra số của họ". Sử dụng danh sách output cộng một máy tính cấu hình cao và thiết bị radio 3.000 USD sẽ tạo điều kiện cho bất cứ ai giải mã tín hiệu điện thoại GSM.

Chuyên gia Ian Meakin thuộc hãng bảo mật di động Cellcrypt lo ngại danh sách của Nohl có thể rơi vào tay kẻ xấu. Trong khi đó, Hiệp hội GSM Association (GSMA) lại đánh giá thấp "công trình" trên bởi họ nhận được quá nhiều thông báo về "khả năng nghe lén trong mạng GSM" nhưng thực tế chưa có cuộc tấn công nào diễn ra.

Về lý thuyết, tín hiệu GSM hoàn toàn có thể được giải mã nhưng các chuyên gia cho biết nó đòi hỏi những trang thiết bị trị giá "hàng trăm nghìn USD".

Châu An (Theo VNE)

Bình luận (0)