Sự kiện giáo dụcTin tức

Hàng Việt khẳng định được chỗ đứng

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng hiện nay đã yên tâm hơn với hàng Việt tại các siêu thị. Ảnh: T.L
Trong mấy ngày mùa hè nóng nực nhà cửa lại chật chội đông người nên ông Phạm Đình Phúc (nhà ở Cư xá Đô Thành, Q.3, TP.HCM) đi ra một cửa hàng điện máy ngoài chợ Bàn Cờ mua cho gia đình một chiếc quạt điện loại để bàn. Hàng Trung Quốc, hàng Nhật và cả Thái Lan không thiếu nhưng ông lại quyết định tìm mua một chiếc quạt hiệu Asia – “made in Vietnam”.
Hàng Việt – không còn nỗi buồn quá khứ
Cách đây hơn 10 năm, còn nhớ thời kỳ đó hàng nước ngoài đang tràn ngập trên thị trường nội địa, chiếm lĩnh gần hết thị phần trong kinh doanh của người Việt Nam nhất là các đồ điện, đồ gia dụng. Đi đâu cũng thấy hàng ngoại tràn lan. Không chỉ khách mua mà cả người bán cũng mặc cảm với hàng nội nên hàng Việt Nam không dễ có cơ hội chen chân vào “cánh cửa hẹp” của chốn thương trường. Đứng sau mặt hàng điện máy, các sản phẩm về hàng tiêu dùng, hàng tiểu thủ công cũng “làm mưa làm gió” thị trường ở Việt Nam. Thế nhưng người ta vẫn cứ thờ ơ và vô cảm. Nhiều người đi du lịch ra các vùng biên giới không chỉ để khám phá thiên nhiên và văn hóa mà mục đích kèm theo là để “khám phá”… hàng ngoại. Từng đoàn du khách đi cửa khẩu Lào Cai, Bằng Tường đưa ra “kế hoạch” phải tìm mua cho bằng được áo quần, giày vớ, mùng mền Trung Quốc vì… giá rất rẻ. Nhất là khi vào nhà người dân các tỉnh phía Bắc đụng cái gì cũng gặp đồ đạc mang nhãn hiệu “made in China”. Từ nồi cơm điện đến siêu sắc thuốc, đồng hồ treo tường và cả lịch, tranh ảnh “bủa vây” khắp nơi và không chịu dừng lại trong mấy ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Thế nhưng có mấy ai mà quan tâm chuyện đó. Nhiều tour đi du lịch các tỉnh biên giới phía Nam như An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang cũng không ngoài “tâm nguyện” mua cho được một số hàng ngoại miễn thuế. Họ đâu biết rằng đó cũng là một “nỗi đau quốc gia” đang âm thầm chảy trong người mà hậu họa khó mà lường được trước… Rồi câu chuyện cái tăm, hạt muối không biết từ đâu vào Việt Nam “lấn sân” làm trăn trở những nhà quản lý kinh tế và người dân trong nước có lương tri và tinh thần tự tôn, tự chủ. Cũng may là thực trạng đó không còn kéo dài mãi, sức mạnh của nền kinh tế trong nước đã xóa tan dần “đám mây đen” một thời bao phủ nền kinh tế sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam.
Hàng Việt đã có “tấm danh thiếp”
Để “tậu” được chiếc quạt theo đúng ý mình, ông Phúc phải đi 2, 3 cửa hàng khác trong quận. Là một giáo viên có tiếng của một trường tư thục nên không phải ông không có tiền nhưng theo ông: “Quạt máy thì xài hàng Việt Nam cũng được rồi vì giá cả phải chăng và chất lượng cũng không đến nỗi thua kém lắm so với hàng ngoại”.
Bây giờ, hàng Việt Nam đa dạng, nhiều chủng loại thuận lợi cho người dân lựa chọn. Theo con số thống kê gần đây nhất, hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh lên đến 60% thị trường đặc biệt là tại các siêu thị 90% hàng Việt Nam đang bứt phá “lên ngôi”. Anh Nguyễn Bá Vượng – GV Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm thừa nhận: “Hàng Việt Nam bây giờ chất lượng và mẫu mã không thua kém gì của nước ngoài đặc biệt là giá cả vô cùng rẻ”. Cũng xoay quanh đề tài quạt điện, anh Vượng khẳng định các loại quạt bàn, thông gió, quạt hộp của Việt Nam như: AsiaVina, Senko, Tico… không còn xộc xệch và dễ hư hỏng như trước đây và có thể cạnh tranh với các loại quạt có tiếng như National, Mitsubishi xuất xứ Nhật Bản hay Philips đến từ Thái Lan, khi giá chỉ bằng phân nửa hoặc hơn một chút. Nếu trước đây mua hàng Việt Nam hầu như không có chế độ bảo hành thì hiện nay các nhà sản xuất trong nước đã rất quan tâm tới chế độ hậu mãi. Chính đây là “tấm danh thiếp” để cho hàng nội có thêm uy tín và tìm được chỗ đứng trong niềm tin của người sử dụng.
Người Việt nên dùng hàng trong nước
Không chỉ ủng hộ hàng Việt Nam nhiều người còn biết “cách ly” hàng ngoại nhất là những thứ không có xuất xứ và ở trong nước chúng ta làm ra được. Anh Lê Xuân Việt – SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ra siêu thị điện máy trên đường Nguyễn Thái Sơn để mua mấy cục pin và đồ sạc để về sử dụng. Thế mà tới lúc viết hóa đơn trả tiền anh đã đổi ý vì lý do hàng anh mua phải là của Việt Nam chứ không phải là của Trung Quốc như trong cửa hàng đã bày bán. Cô Trần Thị Thủy – GV Trường THPT Phú Nhuận rất lo lắng khi đi chợ vì sợ mua nhầm hàng nhập không rõ nguồn gốc nên cô Thủy luôn chọn hàng sản xuất trong nước. “Ông bà ta thường nói “Ta về ta tắm ao ta…” và tôi là người Việt nên phải dùng hàng Việt chứ”. 
Thế nhưng theo cô khi mua các loại hàng khô, rau củ thì rất khó mà tránh được hàng của ngoại nhập nhất là các loại cà rốt, tỏi, trứng gà, ô mai, gia vị… và cả bánh kẹo vì không dễ phân biệt. Dù chỉ là những “chi tiết” nhỏ trong đời sống cơm gạo nhưng do tham lợi nhuận mà người bán đã vô tình giết chết hàng nội và âm thầm tiếp tay cho hàng nhập ngoại không có xuất xứ.
Câu chuyện của anh Việt và cô Thủy đã cho thấy thói quen và ý thức người dân dần dần đang được thay đổi và bắt đầu có tín hiệu vui. Không chỉ người trong nước mà các vị ngoại quốc khi vào Việt Nam cũng rất chuộng hàng của chúng ta sản xuất. Mỗi lần đi du lịch về anh Sebachen (quốc tịch Bỉ) rất thích mua các hàng mây tre, sứ, gỗ của đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh vì mẫu mã đẹp, giá thành rẻ và độ an toàn cao. Đó cũng là sự lựa chọn tinh tế của nhiều du khách từ các quốc gia khác nhau trên thế giới khi đến Việt Nam dù chỉ một đôi lần.
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)