Rất nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới nhưng không thể đưa hàng hóa lên kệ siêu thị của Nhật.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hàng hóa đến các thị trường lớn trên thế giới nhưng lại không thể xuất khẩu thông qua các tập đoàn bán lẻ lớn.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có khoảng 110 siêu thị, trung tâm thương mại như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart… Ngoài phân phối các sản phẩm của doanh nghiệp Việt trong hệ thống siêu thị ở Việt Nam, các nhà bán lẻ ngoại còn xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối ở các nước. Giá trị của kênh xuất khẩu này cũng cực kỳ lớn. Theo bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công thương – chỉ riêng xuất khẩu qua hệ thống Aeon của Nhật Bản, Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1 tỷ USD.
Khi có sản phẩm mới, các siêu thị của Nhật thường không bán đại trà ngay mà cho khách hàng dùng thử để kiểm tra chất lượng |
Bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP.Hà Nội – nhận định, để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài đã khó, vào được hệ thống siêu thị của Nhật Bản lại càng khó hơn, do yêu cầu của người tiêu dùng Nhật cực kỳ cao. Rất nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới nhưng không thể đưa hàng hóa lên kệ siêu thị của Nhật như Aeon. Có nhiều nhà cung cấp từ các nước trên thế giới muốn bán hàng tại hệ thống bán lẻ của Nhật, nên các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh rất lớn.
Theo bà Mai Anh, nhiều doanh nghiệp tại TP.Hà Nội đã phải bỏ cuộc do nhà bán lẻ của Nhật đưa ra yêu cầu cao về chất lượng nhưng giá phải rẻ. Bù lại, khi đã trở thành nhà cung cấp cho hệ thống bán lẻ của Nhật, các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng lớn khác trên thế giới và có nhiều cơ hội để nâng cao kỹ năng bán hàng. Do đó, bà Mai Anh khuyên các doanh nghiệp không nên bỏ cuộc sớm mà cần liên kết với nhau để tạo thành chuỗi, đáp ứng yêu cầu. Năm 2018, giá trị 16 mặt hàng Việt vào hệ thống 40 điểm của Aeon tại Nhật Bản chỉ mới đạt 6 tỷ đồng/tuần, năm nay phấn đấu tăng lên 10 tỷ đồng/tuần.
Ông Nishitoghe Yasuo – Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam – cho rằng, lượng hàng và giá trị xuất khẩu của Việt Nam đều tăng hằng năm nhưng phần lớn nhờ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2018, Aeon đã nhập 1.000 tấn cá tra Việt Nam nhưng nhà cung cấp lại là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi của Thái Lan. Sở dĩ nhà cung cấp được chọn là do họ có sản phẩm đạt độ ngon và họ sẵn sàng đáp ứng đúng yêu cầu của Aeon. Ông Nishitoghe cho rằng, nếu muốn sản phẩm của mình có lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản của Việt Nam cần hợp tác về kỹ thuật, nhận sự hỗ trợ từ các nhân viên thu mua của nhà bán lẻ Nhật Bản. “Tất cả sản phẩm trưng bày tại hệ thống Aeon đều phải trải qua quá trình cạnh tranh như một cuộc đua giữa các nhà cung cấp trên toàn cầu” – ông nói.
Thư Hùng/Phunuonline
Bình luận (0)