Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng Việt lép vế

Tạp Chí Giáo Dục

Tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM, tình trạng hàng ngoại “đè” hàng nội diễn ra khá phổ biến. Có nhiều mặt hàng doanh nghiệp trong nước dư sức sản xuất nhưng các siêu thị, trung tâm kinh doanh vẫn phải nhập từ nước ngoài.

Nhiều mặt hàng ngoại đang lấn lướt hàng Việt ngay trên sân nhà.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hệ thống siêu thị M. (đường 3 Tháng 2, quận 10, TPHCM), nhiều mặt hàng gia dụng như bộ vá múc canh, bình đun nước, ca điện… đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Người tiêu dùng khó tìm thấy những mặt hàng này có xuất xứ trong nước. Chưa kể, các loại giẻ lau nhà, khăn tắm, nôi trẻ em, bông tẩy trang cũng có xuất xứ nước ngoài. Trong khi thực tế, doanh nghiệp trong nước thừa sức sản xuất những mặt hàng này. Không chỉ hàng gia dụng, các mặt hàng thực phẩm cũng bị hàng ngoại lấn lướt, như me Thái Lan (khoảng 90.000 đồng/kg), bánh xốp Thái Lan (21.000 đồng/3 cái) được bày bán khá nhiều.

Tương tự, hệ thống siêu thị L. (đường Lê Đại Hành, quận 11, TPHCM) cũng bán tràn ngập các mặt hàng đồ chơi trẻ em, thực phẩm tươi sống… có xuất xứ ngoại quốc. Những mặt hàng trong nước chiếm số lượng rất ít, hoặc khá khiêm tốn. Chỉ tính riêng gian hàng mì gói xuất xứ Hàn Quốc, Thái Lan… đã “ôm” trọn một sảnh lớn trên tầng lầu hệ thống siêu thị L. Tất nhiên, mỗi gói mì xứ sở kim chi có giá ngất ngưởng, ở mức từ 20.000 – 40.000 đồng/gói; các loại mì khác giá khoảng 10.000 đồng/gói. Hệ thống nhà sách kiêm siêu thị mini như M.K, T.N cũng bán tràn ngập các loại bút, kiếng thời trang xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, với giá từ 200.000 – 300.000 đồng/cái, tùy từng sản phẩm, thương hiệu.

Bên cạnh đó, những siêu thị điện máy như N.K, P.K, P.V cũng không hiếm những vỏ điện thoại, đế tỏa nhiệt có giá từ 200.000 – 2 triệu đồng/cái. Đáng chú ý, các sản phẩm này đều có xuất xứ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan…

Trên thực tế, hiện nay, số siêu thị “phủ sóng” từ 80%-90% hàng Việt tại TPHCM không nhiều; ngược lại, siêu thị bán tràn ngập hàng ngoại rất phổ biến. Sẽ không có gì đáng bàn nếu toàn bộ hàng ngoại đều thuộc diện buộc phải nhập khẩu, không thể thay thế bằng các mặt hàng sản xuất trong nước. Tuy vậy, thực tế cho thấy không ít mặt hàng nhập ngoại hoàn toàn có thể thay thế bằng hàng nội. Nhiều ý kiến cho rằng chính tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, khả năng cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp trong nước… đã vô hình trung tạo điều kiện cho hàng ngoại “bóp nghẹt” hàng nội.

NGÂN HẠNH (SGGP)

Bình luận (0)