Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng Việt mất điểm vì quảng cáo trên trời

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng quan tâm hàng Việt, song nhiều người tiêu dùng còn băn khoăn về chất lượng sản phẩm bởi kiểu quảng cáo trên trời, làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp trong nước.

Hàng Việt bày bán tại các siêu thị, chợ truyền thống chiếm hơn 90%, nhưng chưa bán chạy. Ảnh: L.T.
Đó là ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng, Đại sứ hàng Việt và người tiêu dùng (NTD) trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM thực hiện ngày 12/5.
Làm ăn chụp giật
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM nói. “Có một thực tế là cứ mỗi lần khuyến mãi, giảm giá, chất lượng nhiều sản phẩm cũng giảm theo”.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Văn Long, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước còn mất điểm bởi cách quảng cáo, tiếp thị gây phản cảm, hoài nghi, thậm chí hoang mang cho NTD.
Để câu khách, nhiều DN quảng cáo trên các trang tin điện tử, gắn sản phẩm với hình ảnh của các hot girl, hot boy ăn mặc hở hang, gây phản cảm. Nghiêm trọng hơn, nhiều thông tin quảng cáo về chất lượng sai sự thật khiến NTD hoài nghi, thậm chí từ chối sử dụng.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tại TPHCM, tuy hàng Việt bày bán trong các siêu thị, chợ truyền thống chiếm trên 90%, nhưng doanh số tiêu thụ còn thấp. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ NTD ưa chuộng hàng Việt đối với ngành hàng rau, củ, quả đạt 51%; dụng cụ học tập 34%; điện, điện tử, điện lạnh 26%.
Đề xuất tái lập HTX thương mại
Diễn viên điện ảnh Quang Thảo, Đại sứ hàng Việt, cho biết, nhiều hội chợ hàng Việt, khi đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bà con đến rất đông nhưng không mua hàng mà đến… xem mặt nghệ sỹ, diễn viên, nhận quà tặng…
 Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm đạt chất lượng, cần thông tin rõ những sản phẩm chất lượng kém, hàng nhái, có địa chỉ cụ thể để người tiêu dùng cảnh giác. Đã có hàng Việt chất lượng cao thì cần có thêm chuyên mục hàng Việt chất lượng kém để người tiêu dùng biết. Như vậy, mới công bằng và sòng phẳng với người tiêu dùng
Nghệ sỹ Trung Dân

“Mới đây, tôi dự hội thảo về hàng Việt tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Chợ trưng bày nhiều hàng hóa nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc và bán rất chạy. Qua tìm hiểu, mới biết các DN Trung Quốc thuê kho chứa ngay gần chợ. Khách đặt mua, chỉ cần 5-10 phút là giao hàng. Trong khi đó, khâu phân phối của nhiều DN trong nước chưa tốt, đặt mua hôm trước, hôm sau mới có hàng để giao. Có nhiều vấn đề tưởng chừng rất vụn vặt song lại là nguyên nhân khiến hàng Việt thua trên sân nhà”, diễn viên Quang Thảo nói.

Nghệ sỹ Trung Dân, Đại sứ hàng Việt, đề xuất lập các siêu thị nhỏ tại các chợ truyền thống tương tự mô hình hợp tác xã để nâng cao năng lực phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, Ban quản lý các chợ phải đóng vai trò là cầu nối giữa DN và NTD. “Hiện nay đang có dư luận về gừng Trung Quốc nhiễm hóa chất cấm. Ban quản lý các chợ và DN cung cấp nông sản cần phải có biện pháp để NTD an tâm khi sử dụng gừng trong nước”, nghệ sỹ Trung Dân gợi ý.
Huy Thịnh (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)