Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng Việt Nam: tìm những giá trị mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau hai năm nghiên cứu, khảo sát khách hàng, tiến hành dùng thử, điều chỉnh khẩu vị và cách chế biến, đến cuối tháng 4.2011, công ty Vissan cho ra thị trường dòng thực phẩm chế biến làm từ thịt gà. Trong kế hoạch, đơn vị này có gần 300 sản phẩm khác đang nằm trên quy trình sản phẩm mới bao gồm từ các loại gia vị, rau củ quả chế biến cho đến các sản phẩm làm từ gạo.
Đầu tư cho sự khác biệt

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan nói: “Khi một sản phẩm mới được tung ra, doanh nghiệp phải có loạt sản phẩm đang thử nghiệm, những loạt sản phẩm đang trong phòng thí nghiệm, đang trong dự án nghiên cứu…” Theo ông Mười, đội ngũ nghiên cứu sản phẩm của Vissan lên đến gần cả trăm nhân viên, không tính các bộ phận thị trường, phân phối, sản xuất, thu mua. Cũng theo ông Mười, trung bình để có sản phẩm mới, đơn vị mất khoảng hai năm từ thai nghén ý tưởng, nghiên cứu định hình sản phẩm cho tới sản xuất, phân phối.

Các khu trưng bày sản phẩm gốm sứ Minh Long luôn thu hút được số lượng lớn khách tham quan và chọn mua sản phẩm tại các kỳ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Lê Quang Nhật

Ông Nguyễn Tự Cường, phụ trách kinh doanh công ty Bifan cho biết từ năm 2008, khi hàng nhập lẫn hàng nội địa đều đã có quạt trần theo kiểu quạt gió một chiều thẳng từ trên xuống, đơn vị này đã nghĩ tới hướng phát triển sản phẩm xoay đủ 360 độ. Với quạt tản gió, khi các sản xuất khác đều đã làm được kiểu quạt xoay cánh, thì Bifan làm quạt vừa xoay cánh và vừa xoay lồng bên ngoài để tản gió tốt hơn.
Từ ý tưởng tới sản phẩm mới là một quá trình đầu tư, có rủi ro. Để sản phẩm mới được người dùng chấp nhận lại là một câu chuyện khác. Ông Hoàng Thọ Vĩnh, giám đốc công ty thực phẩm dinh dưỡng miền Nam kể: “Để xác định loại bánh mới có ảnh hưởng thế nào tới chỉ số đường huyết, công ty phải chi đến vài trăm triệu, nhờ sự hỗ trợ viện dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện rồi mới công bố”.
Những giá trị khác
Theo ông Lý Ngọc Minh, chủ nhân thương hiệu gốm sứ Minh Long, thì một khi đã gọi là sản phẩm mới phải đáp ứng được các tiêu chí: lạ, có tính sáng tạo, mang tính thiết thực. Và phải có đầy đủ các yếu tố trên thì mới có thể đảm bảo cho sản phẩm mới “sống” lâu dài.
Với sản phẩm Minh Long, nhà sản xuất luôn có tiêu chí “bốn không bốn có”, trong đó có các yếu tố “không thời gian”, “không biên giới”, “không giới tính”, “không tuổi tác”. Về phía người tiêu dùng, họ nhận từ sản phẩm Minh Long không chỉ là bộ chén dĩa không chứa chì, không có cadbumin an toàn cho sức khoẻ, độ bền của lớp men… mà còn là kiểu dáng mỹ thuật từ hoa văn, màu sắc cho đến thiết kế của từng chiếc chén, chiếc tách. Những câu chuyện kể của bộ dụng cụ đựng gia vị hình vỏ ốc, hay cỏ tím, màu đỏ rực của bộ ấm trà viền vàng ròng còn là cách thể hiện gu của người sử dụng. Trong không gian bếp mới, có chỗ cho bộ đồ ăn của sứ Minh Long, hàng nhôm Kim Hằng… Người tiêu dùng ngoài chọn lựa theo công năng, giờ đây, có thể trưng ra một số sản phẩm do trong nước sản xuất.
Qua 100 sản phẩm mới trình làng tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra ở TP.HCM cuối tháng 4 vừa qua, có thể thấy một số doanh nghiệp trong nước bắt đầu tìm cách thu hút người dùng không chỉ dựa trên công năng. Chiếc quạt máy hiện giờ không chỉ là sản phẩm điện gia dụng mà có thể tìm được một chỗ đứng tương xứng với không gian kiến trúc mới mà người tiêu dùng đang có và nhắm tới.
Ông Lý Ngọc Minh cho rằng, sử dụng vốn kiến thức để cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, thì sẽ hiệu quả không kém so với đầu tư đổi mới công nghệ.
Bích Thuỷ / SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)