Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng Việt vào chợ Bến Thành, Tân Định, Thái Bình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ hôm nay 10.10, tuần lễ Hàng Việt Nam đồng loạt diễn tại 3 chợ ở Q.1, TP.HCM là Bến Thành, Tân Định và Thái Bình, nhằm cổ động chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Các quầy hàng ở chợ Bến Thành đón khách với sản phẩm "Made in Vietnam". 

Trong tuần lễ này (từ 10 – 15.10.2011), một số doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm và bán hàng tại các quầy mới dựng ở các cửa ra vào chợ, các tiểu thương giới thiệu và bán hàng Việt với khách. Đồng thời, cả 3 chợ đều đẩy mạnh văn minh thương mại, đổi mới cách trưng bày hàng hóa gọn, đẹp và bắt mắt hơn, niêm yết giá cả cho khách dễ lựa chọn, và quan trọng nhất là bán đúng giá niêm yết, bán đúng chất lượng hàng hóa…

Bà Phan Thị Muốn, giám đốc trung tâm Bến Thành Tây, quản lý 42 quầy bán hàng nằm ở vòng ngoài nhà lồng chợ Bến Thành chuyên bán quần áo may sẵn, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em… cho biết: “Do hầu hết các mặt hàng bày bán sản xuất tại Việt Nam, nên 100% các quầy hàng của chúng tôi tham gia niêm yết giá rõ ràng, và đảm bảo bán đúng giá, đúng chủng loại hàng.”

Tại chợ Bến Thành, trong tuần lễ này có 17 doanh nghiệp cùng với 6 tiểu thương tham gia trưng bày sản phẩm trong 23 quầy hàng ở 4 lối ra vào chợ, với các mặt hàng như quần áo may sẵn, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, xà bông, cây lau nhà, nơ kẹp tóc, bóp ví, dây nịt… Bà Dương Thị Mai Lan, phó ban quản lý chợ Bến Thành cho biết thêm: “Ban quản lý đang vận động các tiểu thương đẩy mạnh trưng bày và bán hàng Việt cho khách. Hơn 1.000 chủ sạp trong chợ đều đồng ý tham gia.” Theo ban quản lý chợ Bến Thành, hiện các sạp quần áo may sẵn, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm công nghệ… đang kinh doanh hàng Việt Nam đến 60 – 70%, từ tuần lễ này, ban quản lý vận động tiểu thương tăng tỉ lệ kinh doanh hàng Việt Nam lên 80% trở lên ở các sạp.

Ghi nhận trong ngày đầu tiên 10.10, do chưa có nhiều người biết, nên các hoạt động như thay đổi trưng bày, niêm yết giá rõ ràng, hạn chế nói thách… chưa tạo được sự chú ý của khách mua hàng. Riêng các quầy bán hàng mới dựng do doanh nghiệp và tiểu thương thực hiện, có nhiều mặt hàng giá rẻ, được người bán đảm bảo chất lượng nên khách đến mua sắm khá đông.

Da thật sợ gì lửa! Ảnh: Bích Nga

Khác với những đợt quảng bá sản phẩm do các công ty lớn tiến hành ở các chợ, thường có kèm khuyến mãi, giảm giá, quà tặng; lần này các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tuần lễ bán hàng ở chợ truyền thống đều là các doanh nghiệp nhỏ. Họ bán hàng với mức giá vừa với túi tiền của người lao động, như dây nơ kẹp tóc từ 2.000 đến 20.000 đồng, áo thun dưới 100.000 đồng, ví da 200.000 đồng/chiếc…

Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp tham gia bán hàng Việt đều giới thiệu khá kỹ lưỡng xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc nguyên liệu, cách phân biệt hàngt thật – hàng giả… Có mặt tại quầy hàng của công ty Hoàng Minh Ngọc, phóng viên SGTT chứng kiến nhiều khách mua hàng săm soi từng chiếc ví da của công ty, so sánh với giá hàng Trung Quốc và cho rằng hàng Việt Nam đắt hơn. Nhưng khi chủ nhân quầy hàng, ông Nguyễn Văn Hạnh chứng minh chất lượng bằng cách dùng hộp quẹt đốt, da vẫn không suy suyển và không có vết bám đen, trong khi nếu đốt trên sản phẩm Trung Quốc vốn làm từ nguyên liệu giả da sẽ để lại vết cháy và biến dạng bề mặt da. Khách thấy thế, đồng ý mua ngay.

Tương tự, ở quầy hàng của cơ sở sản xuất Bé Trung, khách nữ chen chân mua những chiếc áo khoác, áo thun với giá từ vài chục ngàn đến 150.000 đồng/chiếc. Ông Mai Văn Trung, chủ cơ sở Bé Trung kể: “Từ sáng đến trưa, khách mua hàng liên tục, làm chúng tôi cảm thấy mừng vì hàng Việt Nam mình được người tiêu dùng ủng hộ.”

Bích Thảo / SGTT
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)