Tòa soạnThư đi – tin lại

Hành động kém văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một tài xế taxi “tè” bậy trên đường Võ Văn Kiệt, Q.1
Thử dạo một vòng quanh đường phố Sài Gòn, không khó để bắt gặp cảnh nhiều người kém văn hóa “tè” bậy mọi lúc, mọi nơi. Điều đáng buồn là cảnh này lại diễn ra ở những nơi có… nhà vệ sinh công cộng.
“Tè”  bậy cạnh… nhà vệ sinh công cộng
Từ lâu, Công viên 23 Tháng 9 (phía đường Nguyễn Thị Nghĩa) đã xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân cũng như du khách. Nhiều ý kiến cho rằng, rất bất tiện khi có nhu cầu bởi nhà vệ sinh nằm khá xa đường, muốn vào phải đi một đoạn đường khá xa rồi phải gửi xe mới vào được. Tuy nhiên, đó chỉ là lời biện minh thiếu thuyết phục cho thói xấu của số ít người. Cũng ở Công viên 23 Tháng 9, phía đường Lê Lai từ ngày có bến đỗ của xe buýt cũng là lúc tại đây xuất hiện đều đặn cảnh mặc ai nấy “xả”, mặc dù chỉ vài bước chân là có thể đến nhà vệ sinh công cộng nói trên. Chỉ hơn 15 phút đứng tại đây để quan sát đã có hơn 5 người ghé vào “tè”. Người đi bộ quanh đây luôn đưa tay bịt mũi vì mùi ngai ngái cứ chực chờ xộc thẳng vào mũi.
Tại góc ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa  – Nguyễn Công Trứ, Q.1 mặc dù đã có nhà vệ sinh công cộng khá sạch sẽ, tinh tươm nhưng cách đó chừng 100m (cuối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiếp giáp với đường Võ Văn Kiệt) là “nhà vệ sinh… ngoài trời”. Theo bà chủ hàng nước bên hông Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, mỗi ngày có không dưới 100 lượt người đến đây tiểu tiện. Đủ mọi thành phần, từ xích lô, ba gác đến anh công nhân, giới công chức văn phòng và cả những ông thắt cà vạt đi xe hơi đời mới… Tình trạng tiểu tiện ở Bến xe buýt Lê Hồng Phong (Q.10)  tồn tại khá lâu nhưng chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng bó tay. Bà Trần Thị Cẩm (P.11, Q.5) nói: “Trời mưa thì còn đỡ, chứ trời nắng là muốn ngạt thở vì mùi nước tiểu”.
Đáng xấu hổ
Chuyện “tè” bậy sẽ còn tồn tại nếu người dân không ý thức tự giác bảo vệ môi trường, cũng như gìn giữ vẻ mỹ quan đô thị. TP.HCM tích cực ra quân dẹp tệ nạn “tè” bậy với hình thức phạt tiền, người vi phạm phải “khắc phục hậu quả” nhưng xem ra không cải thiện, thậm chí “tè” bậy còn nhiều hơn trước. Thói quen xấu gặp đâu “tè” đó của một bộ phận nhỏ người dân đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng và phát triển thành phố văn minh, thân thiện và mến khách. Có không ít người vừa “tè” bậy vừa ca hát nghêu ngao như chẳng có chuyện gì xảy ra, thế mới đáng nói.
Ông bạn đồng nghiệp của tôi có đứa cháu sống từ nhỏ ở xứ sở chuột túi. Lần về nước, người cháu được ông bạn chở quanh Sài Gòn ngắm cảnh bằng xe gắn máy. Chỉ một lần đi ngang qua Công viên 23 Tháng 9, tuần sau bạn tôi chở người cháu đi bằng đường khác, lúc gần đến công viên, cháu hỏi: “Đến Công viên 23 Tháng 9 rồi hả ông?”. Ông bạn tôi tỏ ra ngạc nhiên và khen cháu giỏi. Đứa cháu trả lời thiệt tình đến giật cả mình: “Chẳng có tài giỏi gì, nhờ cái mùi khai ấy mà cháu biết đã đến công viên”?!?
Ông Nguyễn Văn Ba, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nói, lâu nay người dân ca cẩm chuyện thiếu nhà vệ sinh công cộng. Thực tế than phiền của người dân là đúng. Nhưng khi chính quyền thành phố đã triển khai xây dựng, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng (dù vẫn còn thiếu – PV) thì người dân không sử dụng, lại “tè” bậy, thậm chí “tè” ở nơi chỉ cách nhà vệ sinh vài mét. Theo ông Ba, mức phạt “tè” bậy như hiện nay chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh việc tăng mức phạt tiền, cần phải có hình thức giáo dục tại địa phương.
Bài, ảnh: Trần Anh
Ngoài mức tiền phạt từ 100.000-300.000 đồng/ lần “tè” bậy, người vi phạm còn phải “cải thiện môi trường” nơi mình vừa “xả”. Người “tè” bậy phần lớn là tài xế xe buýt, xe ôm, bán vé số, hàng rong… và số ít là các thành phần khác.
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)