Hành lang bệnh viện, nơi đặt niềm tin về một ngày mai tươi sáng, cũng là nơi trút hơi thở cuối cùng của những mảnh đời nghèo, bệnh tật…
Tiếng khua từ chiếc xe đẩy inox của cô điều dưỡng từ đầu phòng trực đến dãy cuối khoa cũng chẳng ảnh hưởng đến giấc ngủ bệnh nhân, thân nhân nằm dọc theo hành lang. Bao đêm rồi, bên hành lang Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhiều người vẫn thức trắng. Người bệnh thức, người nuôi bệnh cũng thức theo. Giấc ngủ đến với họ còn phụ thuộc vào nhiều thứ, mà chính họ cũng không thể kiểm soát, có thể chợp mắt chừng 1-2 giờ/ ngày đêm và cũng có thể thức trắng, đồng hồ sinh học đã thích nghi.
Giấc ngủ không tròn
Thấy một bệnh nhân nữ di chuyển từng bước chậm chạp về phía cuối hành lang, cô điều dưỡng còn khá trẻ nhắc nhở: “Sao giờ này chị chưa ngủ nữa?”. Bệnh nhân luống tuổi ấp úng: “Dạ, dạ không ngủ được”. “Không ngủ được cũng phải cố, thức đêm mất sức bệnh thêm nặng”. Điều dưỡng vừa đi vừa nói vọng lại. Qua trò chuyện được biết nữ bệnh nhân tên Thảo (43 tuổi), quê tận miệt U Minh. Chị Thảo phát hiện bị bệnh tim cách đây 6 năm. Kể từ đó, chị bỏ lại ruộng vườn, gửi hai con nhỏ cho bà ngoại và bắt đầu những tháng ngày sống ở hành lang bệnh viện và 3 bữa ăn từ thiện/ ngày. Mới tháng trước đây, chị Thảo khỏe lắm, được bác sĩ cho xuất viện về nhà thăm con. Mẹ con gặp nhau chưa tròn ngày thì cơn đau tim tái phát dữ dội. Chị Thảo cứ nghĩ đó là lần cuối chị gặp người thân và hai con thơ. Chị lại nguyện cầu.
Bệnh nặng, lại chẳng có ai túc trực chăm sóc như những bệnh nhân khác, việc đi lại làm xét nghiệm, chụp X quang đều tự mình xoay xở. “Thấy hoàn cảnh mình vậy, nhiều người giúp đỡ nhưng mình ngại lắm. Người nhà họ cũng bệnh, bên bờ vực của cái chết, mình cố gắng đến khi nào không thể…”, chị Thảo trải lòng. 6 năm, quãng thời gian không dài đối với một bệnh nhân tim nhưng lại là nỗi đau đớn của một gia đình nghèo túng, lo cái ăn thôi cũng đủ đứt hơi.
Bệnh nhân Đ.T.L |
Bệnh nhân nằm hành lang đã là cực hình, bệnh nặng lại là nỗi ám ảnh không chỉ người bệnh mà còn là của thân nhân. Bất tiện nhất là chỗ tiểu tiện, tắm rửa đều phải “ké” ở các phòng dịch vụ gần đó. Quy định của khoa là vậy nhưng không phải bệnh nhân, thân nhân nào cũng thông cảm và hài lòng khi bệnh nhân bên ngoài vào sinh hoạt trong phòng của mình. “Nhiều người họ biểu hiện ra mặt, cứ như mình mang một căn bệnh truyền nhiễm gì đó. Mình tủi lắm nhưng đành phải cố chịu”, bệnh nhân tên Tuyết, đang điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối tại hành lang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (đường Nguyễn Thượng Hiền, P.5, Q.Bình Thạnh), nói.
Vẫn hy vọng
Chúng tôi ghé qua hành lang quen thuộc, chỗ chị Thảo nằm giờ là một bệnh nhân khác, về sức khỏe trông cũng chẳng khá hơn. Mọi người cho biết, chị Thảo vừa đi đêm qua sau một cơn đau vật vã, xe cứu thương chắc cũng đã chở chị về đến nhà. Mới trưa qua, chị vẫn tươi cười, hy vọng sẽ xuất viện về với hai con, tự tay may cho chúng mỗi đứa một bộ quần áo để dự lễ khai giảng năm học mới, thế mà… Ai nấy đều lặng người khi nhắc đến chị. Hành lang bệnh viện, nơi con người ta đặt niềm tin, hy vọng, gieo những gì tốt đẹp nhất và cũng là nơi trút hơi thở cuối cùng…
Hơn tuần nay, hành lang đón một bệnh nhân khá đặc biệt. Nói đặc biệt là vì bệnh nhân là một cô gái tuổi 18 nhưng vóc dáng như tuổi 13 bởi căn bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhân tên Đ.T.L (ngụ Q.Gò Vấp), mồ côi cha mẹ từ lúc lên 3. Thời gian L. nằm viện còn hơn phân nửa số tuổi của L. Từ lúc nhập viện, L. thở ôxy 24/24, dù vậy L. vẫn khó thở vì thêm bệnh phổi nặng. Ngày cũng như đêm, L. chỉ có thể nằm vài phút với những thứ vật dụng có thể kê đầu cao nhất có thể. L. nhìn thẳng về tôi, ánh mắt tràn đầy hy vọng. Đã biết bao lần L. tự bảo chính mình: “Mình sẽ khỏi bệnh và đến trường như các bạn”. Thế mà từ cái lần đầu nói câu ấy đến nay đã mười mấy năm rồi.
Má T. (theo cách gọi của L.), người nhận nuôi L. từ khi cha mẹ em qua đời cho biết L. còn nhiễm HIV từ cha mẹ. Sự sống với em quá ngắn ngủi nhưng em rất lạc quan, luôn đặt niềm tin vào chính mình, vào một ngày mai tươi sáng. “Chúng tôi dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho L.”, bà T. khẳng định.
Bài, ảnh: Trần Anh
Nghèo chẳng phải tội nhưng nghèo đến độ, nghe đọc họ tên cũng giật mình. Trường hợp chị Thảo là một ví dụ. “4 giờ sáng, mấy chị điều dưỡng gọi tên, nghe giật mình. Còn mấy trăm ngàn, hôm qua đóng tiền làm xét nghiệm, giờ làm nữa không biết lấy đâu ra tiền. Cũng may là gọi tên để phát thuốc cho bệnh nhân”, chị Thảo chia sẻ. |
Bình luận (0)