Cảnh mua bán lấn chiếm trên Quốc lộ 1A – quận Bình Tân |
Theo phân tích của cơ quan chức năng thì số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên quốc lộ rất cao, chiếm tỷ lệ: 58% (riêng TNGT đặc biệt nghiêm trọng là 64,1%). Thông thường, trên quốc lộ xe cơ giới hoạt động với mật độ và tốc độ cao nên dễ dẫn đến tai nạn. Mặt khác, do hành lang đường bộ bị lấn chiếm bởi nhiều khu dân cư, nhà máy, cửa hàng làm khuất tầm nhìn các phương tiện đang lưu thông là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT.
Bát nháo dọc hành lang an toàn đường bộ
Nhiều văn bản pháp lý được ban hành đã khẳng định dải đất hai bên quốc lộ là hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ nhằm bảo vệ công trình và bảo đảm quy tắc giao thông. Thế nhưng trong thực tế, hành lang an toàn ở trong tình trạng bị lấn chiếm nghiêm trọng. Phần lớn hành lang ATGT trên tuyến quốc lộ đã trở thành “phố” với nhiều nhà dân và các công trình bám sát hai bên đường. Cụ thể, tổng chiều dài quốc lộ 1 chạy xuyên suốt từ Bắc vào Nam với 2.300 km, có 194 khu công nghiệp, 2.101 khu dân cư, 1.008 cây xăng và 2.363 điểm đấu nối khác. Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, có 272,5 km trên quốc lộ 1 ở cả ba miền trong đó chỉ 24% có chiều rộng hành lang đủ theo quy định (15m), phần còn lại có nhiều công trình, nhà ở nằm dọc trên hành lang, có nhiều nơi bám sát mặt đường. Về đường ngang, bình quân có 3,3 đường ngang/km, tức là 300 m có một đường ngang. Quốc lộ 51 TP.HCM – Vũng Tàu và nhiều quốc lộ khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Không chỉ có “nhà bám đường” mà những năm gần đây một số địa phương sử dụng “mặt tiền” và hành lang quốc lộ như một thứ “ưu đãi” để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra tình trạng “doanh nghiệp bám đường”, tùy tiện mở ra nhiều đường ngang không phép… Để khắc phục tình trạng này, cần phải có sự thay đổi cơ bản trong nhận thức về vai trò của hành lang ATGT, từ bỏ thói quen xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ bám dọc hệ thống quốc lộ và có lộ trình giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT.
Theo Quyết định số 1856 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn II công tác lập lại trật tự hành lang ATĐB thực hiện từ quý III năm 2008 đến hết năm 2010, trong đó có những nội dung công tác phải hoàn thành sớm, vào cuối năm 2008 và quý I năm 2009. Đến ngày 31-12-2008, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối vào quốc lộ, hệ thống đường gom đến năm 2010, thỏa thuận với Bộ GTVT. Đến ngày 31-3-2009, giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT đường bộ trong phạm vi 5-7 mét đã được đền bù xử lý trên tất cả các tuyến quốc lộ và hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ; Các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, phân loại các công trình nằm trong hành lang ATGT đường bộ theo thời gian vi phạm; UBND các địa phương lập dự toán kinh phí phải đền bù, giải tỏa hành lang ATGT đường bộ và các công trình làm mất ATGT, báo cáo Bộ GTVT. |
Hầu hết các tỉnh thành lấy luôn các đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa phương mình để làm trục đường đô thị và quy hoạch thành phố, thị trấn của tỉnh lị dọc theo trục quốc lộ đó. Nếu chạy dọc theo tuyến quốc lộ thì dễ nhận thấy mỗi nhà dân, mỗi khu công nghiệp, khu đô thị đều có thể từ cửa nhà mình, từ cổng doanh nghiệp mình bước thẳng ra quốc lộ. Nhiều địa phương, hàng năm cứ việc thu tiền bán đất dọc quốc lộ mà không phải đầu tư tiền làm đường. Chính vì các quy định lỏng lẻo và thiếu khoa học như vậy cùng với việc thực thi pháp luật không nghiêm minh nên khiến hàng ngàn công trình bất hợp pháp trên khắp các tuyến quốc lộ có thể tồn tại không khác gì những công trình hợp pháp khác.
Cần sự chuyển biến từ tư duy quy hoạch
Được biết, Cục Đường bộ Việt Nam có đề xuất việc lập lại trật tự bảo vệ hành lang đường bộ; Chính phủ cũng có Chỉ thị về việc này và việc lập một ban chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện nhiệm vụ nói trên. Tuy nhiên, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân và doanh nghiệp, các ngành liên quan, chính quyền địa phương cần phải thể hiện sự chuyển biến trước hết từ tư duy quy hoạch. Theo đó, kiên quyết không xây dựng mới các khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư bám sát và chạy dọc các tuyến quốc lộ hoặc trục đường chính của địa phương. Các điểm đấu nối ra quốc lộ phải trên cơ sở quy hoạch, đúng thiết kế được duyệt của cơ quan chuyên ngành. Dỡ bỏ những công trình trái phép (xây dựng trái phép hoặc cấp đất trái phép), trước mắt là những công trình gây hư hại cầu đường và mất ATGT. Xây dựng hệ thống đường nội bộ, đường gom, đường đấu nối ra quốc lộ từ những khu công nghiệp, thương mại, dân cư đã có trước đây. Hoàn chỉnh quy hoạch hành lang quốc lộ, cắm đầy đủ mốc lộ giới, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Trên đây là một vài biện pháp để khắc phục tình trạng “nhà bám đường”, “doanh nghiệp bám đường” không chỉ nhằm hạn chế TNGT. Đây là việc làm góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, một vấn đề hết sức bức xúc. Bởi vì mỗi năm, Nhà nước đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp và cải tạo các quốc lộ nhằm tăng mật độ và tốc độ lưu thông. Một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư là do các khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư bám dọc hai bên đường, buộc phải quy định hạn chế tốc độ xe như hiện nay.
Phương Vy
Bình luận (0)