Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine”.
Quy hoạch sông Sài Gòn cần ưu tiên mảng xanh
Việc phát triển sông Sài Gòn nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các định hướng quy hoạch sông Sài Gòn và triển khai các nhóm việc sau chuyến tham quan sông Seine của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Paris vào tháng 6-2023. Theo đó, sau cuộc khảo sát của Bí thư Nên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP cùng Tổ chức Khoa học – Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã xây dựng ý tưởng, định hướng, phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn, vận dụng kinh nghiệm quy hoạch quản lý sông Seine vào nghiên cứu các quy hoạch mà TP đang thực hiện.
Mục tiêu của việc phát triển sông Sài Gòn là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM.
Quy hoạch sông Sài Gòn trong tổng thể hệ thống sông Đồng Nai
Chủ tịch Mãi cho biết, TP.HCM đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch: Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung TP.Thủ Đức. Đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của TP trong thời gian tới. Ngoài ra, TP xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP.HCM thời kỳ mới và là điểm nhấn trong việc rà soát quy hoạch chung lần này.
“Kết quả thu được tại hội thảo vừa đóng góp cho việc nghiên cứu quy hoạch sông Sài Gòn, đồng thời sẽ kết nối với việc xây dựng quy hoạch chung TP.HCM”, ông Mãi nhấn mạnh.
Theo báo cáo “Quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn – TP.HCM: Định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể”, phạm vi nghiên cứu hiện tại của hành lang là 80km lưu vực sông Sài Gòn (điểm đầu từ khu vực Củ Chi đến điểm cuối Mũi Đèn Đỏ tại Cần Giờ) với phạm vi ảnh hưởng 500m tính từ bờ sông. Hành lang sông Sài Gòn đặt trong mối liên kết giữa TP với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.
Góp ý cho báo cáo, đơn vị tư vấn Roland Berger cho rằng, nên có sự đánh giá về tính phù hợp của quy hoạch sông Sài Gòn trong tổng thể hệ thống sông Đồng Nai và các luồng lạch tại khu vực hạ lưu như luồng Soài Rạp (trong mối liên kết giữa TP.HCM với Long An, Tiền Giang) và luồng Thị Vải (trong mối liên kết giữa TP.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai).
Với hiện trạng của hành lang sông Sài Gòn, cần có các đánh giá chi tiết hơn về điều kiện tự nhiên và các đề án quy hoạch đã được phê duyệt về hạ tầng như bến thủy nội địa, công viên; các dự án đầu tư có liên quan hiện hữu tại khu vực này.
Báo cáo đã đưa ra một số các mô hình, định hướng phát triển liên quan đến thương mại, giải trí và du lịch sông nước nhưng cũng cần làm rõ hơn các cơ sở đề xuất về kinh tế, kỹ thuật, trụ cột và yếu tố hỗ trợ để xây dựng Khu du lịch quốc gia ven sông Sài Gòn. Đồng thời, nghiên cứu sơ bộ về tác động môi trường với các dự án đã được đề xuất tại phần định hướng.
Theo TS.KTS Trần Trọng Hanh, cần luận chứng xác định phạm vi ranh giới nghiên cứu quy hoạch, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Không nên xác định phạm vi nghiên cứu đồng đều dọc sông là 500m. Cần phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng và rà soát các quy hoạch, dự án đầu tư hiện có trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch, đó là: nhận diện vị thế, vai trò và các giá trị của sông Sài Gòn.
TP.HCM xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP thời kỳ mới
Theo ông Hanh, nội dung định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, thiết kế đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng thể hiện trong báo cáo sơ sài và thiếu tính toàn diện. Nội dung định hướng các dự án chiến lược chưa xác định được. Nguồn lực, giải pháp và cơ chế vận hành đại dự án không rõ ràng. Kết quả nghiên cứu không có cơ sở…
Phải ưu tiên cho không gian xanh
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, với độ dài 256km, riêng đoạn chảy qua TP.HCM là khoảng 80km, sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình của TP.HCM. Việc quy hoạch sông Sài Gòn đặt vấn đề trong quy hoạch chung sắp tới của TP phải trình Thủ tướng Chính phủ, thời gian không còn nhiều đòi hỏi cần xác định những vấn đề cốt lõi.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, quy hoạch sông Sài Gòn phát triển hướng sông, hướng biển nhưng cách làm không nên giống trong nội thành, tức không nên bê tông hóa hết ven sông. Cần quan tâm hành lang bảo vệ ven sông mỗi bên 50m, phải ưu tiên cho không gian xanh trong điều kiện TP.HCM đang rất thiếu không gian xanh chỉ 0,5m2/người, trong khi tiêu chí tối thiểu phải 10m2. Mặt khác, chúng ta đang đặt vấn đề làm đại lộ gần sông có thể 8 làn xe chạy tốc độ cao 60-70km/giờ đòi hỏi phải cẩn trọng vì có thể ngăn cách người dân đến với bờ sông. Mặt khác, định hướng phát triển ven sông phải như “bản nhạc giao hưởng”. Không gian chính của sông Sài Gòn là không gian xanh, không gian tĩnh lặng để người dân lui tới đi bộ, xe đạp, thư giãn và một số khu trọng điểm như khu vực sôi động ở trung tâm TP, một số khu vực có những giao lưu văn hóa quốc gia – quốc tế như khu Thanh Đa, có những khu yên ắng gắn liền với không gian xanh.
“Với 80km sông Sài Gòn chạy qua, TP.HCM cần tận dụng và biến thành một dòng sông xanh chứ không phải là dòng sông làm dự án địa ốc, công trình. Như vậy sẽ đạt được thành công về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa”, ông Sơn nói.
Nghiên cứu của TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Văn Lang – nêu rõ, hệ sinh thái ven sông Sài Gòn đa dạng, phong phú có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là bảo vệ cho cuộc sống con người. Hai bên sông Sài Gòn có 4 dạng đất chính: đất cát (5.200ha), đất mặn (19.800ha), đất phèn (44.500ha), đất phù sa. Dọc sông còn có thảm thực vật đầm lầy ngập triều, ven bờ và nhiều nhóm thủy sinh vật trên sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, bà Quyền lo ngại sự phát triển dân số, sản xuất công nghiệp, hoạt động nông nghiệp đang diễn ra ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường. Do đó, TP cần đồng bộ các giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái ven sông Sài Gòn. Đây là vấn đề quan trọng cho phát triển xã hội và kinh tế bền vững.
Phú Cát
Bình luận (0)