Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hạnh phúc bình dị!

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình nền nếp, con cháu ngoan ngoãn, các thành viên yêu thương nhau, tận tâm tận lực với công việc, sống giản dị chân thành với đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng… Niềm hạnh phúc bình dị ấy tưởng chừng như rất nhỏ nhoi, nhưng rất đỗi thiêng liêng đối với NGƯT Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Gắn bó từ trong gian khó

Phải lòng cô sinh viên “gốc” Bình Dương dịu dàng, con nhà gia giáo, sau 5 năm tìm hiểu, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Ngai và cô giáo Nguyễn Thị Cúc nên duyên vợ chồng. Nếu giảng đường Trường ĐH Sư phạm là nơi tình yêu của họ khởi đầu và đơm hoa kết trái, thì môi trường sư phạm đã gắn kết cuộc đời họ với nhau và gắn bó tuổi đời họ với nghề.

Nhớ về cái thời “một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”, thầy Nguyễn Văn Ngai vẫn còn nhớ như in những ngày tháng hai vợ chồng tất bật với công việc. Vào năm 1975, khi đó thầy làm Trưởng ban điều hành của Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, thời điểm này trường mầm non ở huyện Hóc Môn rất hiếm nên hai vợ chồng thầy phải gửi con đến nhà bà ngoại ở Bình Dương nhờ trông nom giúp. Cuối tuần, hai vợ chồng trẻ lại tranh thủ đạp xe vượt 25km về Bình Dương thăm con.

Thời gian thấm thoát trôi, rồi lần lượt các con đến tuổi vào tiểu học, thầy lại đón con về thành phố. Thời đó, đời sống còn khó khăn, nhưng giáo viên rất nhiệt tình dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu. Thế nên khi nhà dân đã lên đèn, giáo viên mới kết thúc giảng dạy là việc diễn ra thường ngày. Do đó, việc ở lại trường cho đến khi giờ dạy phụ đạo kết thúc “là cách mình đồng hành với anh chị em trong trường” – thầy Ngai bảo thế! Và khi về nhà, hình ảnh người vợ hiền chờ chồng bên mâm cơm ngon cùng với những cậu con trai kháu khỉnh làm cho bao nhiêu mệt mỏi sau một ngày làm việc của thầy tan biến hết. Cũng trong những bữa cơm thanh đạm với món đậu đũa xào, với tô cà pháo do học sinh “biếu thầy vì nhà em trồng được” làm cho lòng thầy rưng rưng vì xúc động.

Gia đình thầy Ngai – cô Cúc (ảnh nhân vật cung cấp)

Luôn có nhau trong đời

Vốn không hay khen vợ, nhưng có lần thầy Ngai đã buột miệng “bà xã tôi giỏi lắm”. Giỏi theo cảm nhận của thầy là một người vợ luôn hết lòng vì gia đình, một người vợ giàu đức tính hy sinh, giản dị, giỏi vun vén, không nóng giận hay lớn tiếng với bất cứ ai. Dù bản thân hay gia đình có bất kỳ chuyện gì, kể cả việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, bà cũng chờ chồng về để sẻ chia, tâm sự. Được bạn bè, đồng nghiệp quý mến nhưng đức tính khiêm nhường luôn dặn vợ chồng ông bà giáo không được tự mãn hay kiêu căng, cho dù khi chồng là Trưởng ban điều hành, là Hiệu trưởng của một trường THPT “có tiếng” của một huyện ngoại thành, làm Phó giám đốc Sở GD-ĐT, hoặc khi vợ là giáo viên giỏi cấp thành phố, là Chủ tịch Công đoàn trong nhiều năm.

Có lẽ vì xuất thân từ gia đình nền nếp, gia giáo, tính tình tương đồng nên cả hai vợ chồng đều dễ tìm được tiếng nói chung. Tiếng nói chung đó đã nuôi nấng hai người con trai trưởng thành và thành đạt. Khi thiếu thời hai cậu đều học giỏi và đậu vào ĐH Quốc gia TP.HCM ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nay người con trai lớn là kỹ sư xây dựng, người con trai út làm giảng viên Trường CĐ Lý Tự Trọng, nối gót nghề mẹ cha. Nhìn thấy các con có gia đình, có con cái, có công việc ổn định và sống hạnh phúc, thầy cô gọi tên những ngôn từ đó là “diễm phúc mà chúng tôi đã may mắn có được”.

Có thể nói diễm phúc ấy không dừng lại ở đó, mà được trải dài khi vợ chồng ông giáo về hưu thấy học trò của mình thành đạt trong cuộc sống thường nhật. Theo lẽ thường, học trò chỉ nhớ về thầy cô mà họ đã được học. Vậy mà nhiều người hiện đang sống và làm việc cả trong nước và nước ngoài vẫn nhớ về “ông thầy hiệu trưởng và cô giáo hiền” ở ngôi trường cũ mà họ đã theo học. Đã có đến 2 lần vợ chồng thầy Ngai – cô Cúc được học trò mời dự buổi họp lớp trên đất Mỹ. Ở đó, thầy trò lại huyên thuyên kể về những kỷ niệm vui buồn ở mái trường xưa, ngày đó họ bị thầy Hiệu trưởng phạt đứng dưới cờ khi phạm lỗi; khi bị tai nạn giao thông được thầy hỏi thăm mỗi ngày, khi cặm cụi học bài thi được thầy Hiệu trưởng hỏi han, động viên, khuyến khích. Với họ, cho dù nay đã trên dưới tuổi 50, nhưng lòng tri ân thầy cô giáo cũ vẫn không hề phai nhạt. Và nhờ có vui, có buồn của những tháng ngày xưa cũ, mà hôm nay họ đã thành nhân.

Bích Vân

Trong suốt 42 năm làm người bạn đời, hình ảnh cô giáo Cúc, người vợ hiền trong tâm trí thầy Ngai đến nay vẫn đằm thắm như ngày nào: “Từ ngày trước đến giờ nhà tôi vẫn sống giản dị, không như người ta có cả tủ áo dài, mặc cả tháng cũng chưa lặp lại, còn vợ tôi chỉ có vài bộ mặc tới mặc lui. Vì tất cả bà đều dành cho chồng, cho con, cho cháu, từ đồ gia dụng, áo quần mới, hay miếng ăn ngon…”.

 

Bình luận (0)