Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hạnh phúc đến từ công việc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân viên khu du lịch đang quét rác

Vừa đặt chân đến Khu du lịch sinh thái Madagui (thuộc xã Lâm Hà, Đạ Huoai, Lâm Đồng) nhiều người vội thích thú leo lên những sườn dốc thoai thoải để thả hồn theo mây gió hoặc đứng bên bờ suối trong xanh chờ từng cơn gió mát. Riêng tôi một mình đi lang thang vừa ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh của rừng già vừa còn tìm cách… làm quen với những con người nơi đây để hiểu hơn công việc mà họ đã gắn bó nhiều năm nay.
Ngày chạy đua với thời tiết
Cơn mưa chiều vừa tạnh, trên những lá cây rừng vẫn còn đọng lại những giọt nước long lanh nhưng vẫn chưa tan hết cái ngột ngạt của khí trời. Nhiều con đường mòn trong mấy bãi cỏ sũng ướt nếu ai đi không khéo cũng dễ bị ngã. Trong lúc du khách đang đứng tránh mưa dưới mái hiên mấy ngôi nhà sàn thì một số nhân viên của khu du lịch đã cầm chổi ra quét rác. Mặc áo đồng phục màu xanh, trên ngực có gắn bảng tên, từng người tỏa ra các khu vực quanh sườn đồi để làm nhiệm vụ của mình. Nói là rác nhưng ở đây chủ yếu là lá cây, sau một cơn mưa mặt đất đã phủ một lớp lá vàng, lá nâu vừa mới lìa cành rơi xuống. Tôi chú ý người đàn ông gần 50 tuổi (anh tên là Triệu Quang Định) đang chăm chỉ quét gần mấy lều trại vừa mới được dựng lên. Cũng xấp xỉ tuổi tôi thôi nhưng nhìn anh ta khắc khổ hơn nhiều, nước da đen sạm trên khuôn mặt đã hằn rõ các nếp nhăn. Anh Định kể: “Mỗi ngày chỉ quét 2 lần nên công việc của chúng tôi không chỉ dọn vệ sinh trong khu du lịch mà còn làm những việc khác nữa”. Đúng như anh Định nói sau khi quét xong, nhóm người này còn phải khiêng bạt, gối, chiếu từ trong kho ra mấy căn lều vừa dựng ở bìa rừng. Nguyễn Văn Linh – một nhân viên trẻ nhất trong tổ giơ tay ra phía trước khoe với khách: “Mấy căn lều này chúng tôi vừa dựng từ lúc sáng”. Anh Linh kể chúng tôi mới biết, các khung sắt dựng lều được lắp ráp cố định chỉ khi nào có đoàn du lịch lên là anh em dọn vệ sinh xung quanh đó, phủ bạt lên, trải chiếu ra để chuẩn bị đón khách. Kinh nghiệm của họ là khi thấy trời bắt đầu chuyển mưa thì phải nhanh tay lẹ chân, huy động toàn bộ lực lượng dựng lều để chạy đua với thời tiết. Vùng rừng núi này mưa nắng thất thường nên có khi vừa hì hục làm xong chương trình nhưng gặp mưa lại phải vội vàng cuốn băng-rôn lại hoặc ôm đống củi đốt lửa trại.
Được anh Định giới thiệu tôi mới biết người điều phối toàn bộ công việc này là anh Nguyễn Tấn Tài – một người đàn ông trên 40 tuổi, quê ở Đà Nẵng. Tưởng ai xa lạ anh Tài chính là người trước đó ngồi trên một chiếc zíp chở đống hàng cồng kềnh đem về kho cất. Tôi quan sát thì thấy anh không bao giờ đứng ngoài cuộc, khi thì vén tay áo lên khiêng cây, lúc thì xắn quần vác bạt cùng với đồng sự. Xe nổ máy quay đầu, anh lại nhảy phóc lên thùng xe phía sau đi bốc hàng. Sau này tôi thắc mắc, anh Tài cười xòa: “Công việc ở đây nếu giao cho anh em thì ai cũng hoàn thành cả nhưng tôi muốn làm gương cho mọi người, hơn nữa mỗi người làm một tay thì công việc sẽ xong sớm hơn”.
Đêm đối diện với thời gian
Một lần đang ngủ giữa rừng nghe tiếng mưa rơi lộp độp, tôi liền tỉnh giấc và lặng lẽ bước đi ra ngoài. Trong ánh trăng đêm mờ ảo một đốm lửa nhỏ le lói ở cuối dãy nhà nghỉ. Đi lại vài bước gần hơn tôi thấy có bóng người đang đứng tựa cửa trước hiên nhà tay cầm mẩu thuốc lá hút dở. Nhìn bộ áo đồng phục tôi biết anh là nhân viên bảo vệ của khu du lịch. Anh nói chuyện giọng phả đầy mùi thuốc lá: “Ở đây mỗi người trực trọn một đêm từ 6 giờ sáng hôm nay cho đến 6 giờ sáng ngày mai, cách một đêm thì được nghỉ một đêm”. Theo anh, dù buồn ngủ nhưng công việc phải được ưu tiên trên hết, hơn nữa riết cũng quen dần. “Người trong bóng đêm” thổ lộ, lúc nào quá buồn thì châm điếu thuốc lá đưa lên môi rít vài hơi còn không móc điện thoại ra “tám” với bạn bè, người thân cho thời gian qua mau hơn. 
 Bên chân cầu treo khu du lịch có một ca-bin nhỏ lúc nào cũng có nhân viên bảo vệ trực suốt cả ngày lẫn đêm, bất kể nắng mưa. Anh Đỗ Hà Nam – nhân viên bảo vệ – cho biết, nhiệm vụ của anh không chỉ canh giữ chiếc cầu treo trên suối mà còn canh giữ cả… du khách mỗi khi họ qua cầu hoặc đòi xuống suối. Công việc ở đây có vui có buồn nhưng điều mà mọi người “ngán” nhất là ý thức của người du lịch. Anh cho biết dòng suối ở đây không sâu nhưng nước chảy xiết và rất lạnh. Lòng suối không bằng phẳng mà có nhiều hòn đá trơn nên rất dễ bị té. Mấy năm trước có người nhảy xuống suối tìm đôi dép gặp đá trơn bị trượt chân nên đã bỏ mạng. Mùa hè năm ngoái có 2 học sinh xuống suối vui đùa, bảo vệ chưa kịp nhắc thì đã bị dòng xoáy cuốn trôi. Nhân viên cứu hộ chỉ kéo lên được một người còn một cậu học trò lớp 11 ở TP.HCM thì hôm sau mới tìm được xác. Nguy hiểm là thế nhưng khi được nhân viên nhắc nhở có người còn sửng cồ: “Tôi bỏ tiền vào đây du lịch thì muốn đi chỗ nào mà chả được”. Anh Nam còn kể không biết bao nhiêu câu chuyện về ý thức của du khách khi vào đây khám phá khu rừng. Họ lo lắng đến mức nếu đi ăn cơm trưa cũng phải báo cho người khác đến trực thay để bám sát địa bàn.
Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao bên chân cầu treo và trong những đêm lạnh giá vẫn có những con người không bao giờ chợp mắt ngồi đối diện với bóng tối để đem lại sự an lành cho khu nghỉ dưỡng.
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)