Sáng 16-11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ tri ân 50 nhà giáo đạt giải Võ Trường Toản năm 2023. Trong buổi gặp gỡ, những câu chuyện nghề đầy xúc động đã được thầy cô chia sẻ…
Nhiều câu chuyện xúc động về nghề được chia sẻ trong buổi gặp gỡ
Bằng tình yêu thương nỗ lực đến với trẻ mỗi ngày
Với 38 năm tuổi nghề, dù lớn tuổi nhưng thầy Nguyễn Đức Phùng (giáo viên Trường THCS Vân Đồn, quận 4) lại được xem là giáo viên tiên phong trong đổi mới, áp dụng công nghệ vào giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học… Đặc biệt, thầy còn luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện, với 21 lần hiến máu nhân đạo, từng dạy chi viện cho Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo vào năm 1988…
Nhắn nhủ đến những giáo viên trẻ, thầy bày tỏ: Hãy nỗ lực hết mình, cháy mãi ngọn lửa nhiệt tình trong công tác trồng người, giáo dục thể hệ trẻ.
Là giáo viên dạy văn, cô Lê Thị Tuyết Lan (giáo viên Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú) nhìn nhận, nếu chỉ dạy bằng ngôn từ hoặc bằng phương pháp truyền thống thì học sinh sẽ cảm thấy những kiến thức trong trang sách là mơ hồ, xa vời. Vì vậy, bản thân cô luôn ý thức dạy văn phải làm sao kết nối được trang sách với cuộc đời để học sinh nhận ra học văn không phải là học những gì chỉ có trong tưởng tượng hoặc là những trăn trở tâm tư của riêng tác giả.
“Thực chất văn là cuộc sống, là cuộc đời, tâm tư của một người là sự kết tụ từ những trăn trở, khởi sinh từ những gì diễn ra xung quanh cuộc sống. Học văn là phải đặt mình vào trong câu chuyện đó, tâm tư đó để hiểu được cuộc sống, người xung quanh và hiểu chính mình”.
Mỗi câu chuyện của thầy cô là một câu chuyện nghề
Bằng quan điểm như vậy, cô Lan đã tổ chức nhiều hoạt động đổi mới trong giảng dạy, như cho học sinh đọc sách, kết nối sách với cuộc sống, triển khai dự án tìm hiểu cuộc sống, làm phim…
“Mình cứ yêu nghề, yêu đời, yêu người, yêu học sinh thì “trái ngọt” nhận được. Đó có thể chỉ là sự trưởng thành mỗi ngày của học sinh nhưng cũng là động lực, niềm hạnh phúc của nghề giáo” – cô Lan bày tỏ.
Cả cuộc đời giáo viên là cả cuộc đời hạnh phúc
Nhận giải thưởng Võ Trường Toản cũng là lúc cô Võ Thị Tuyết (giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật) nhận quyết định về hưu. Nhìn lại hành trình 29 năm đã đi và gắn bó với nghề, cô Tuyết vui mừng cho biết “vui như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng sâu”.
Từng là giáo viên dạy văn THPT, vì yêu thương trẻ cô Tuyết chuyển qua ngành giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập. Với cô, nếu chỉ bằng chuyên môn thì không đủ để đến với trẻ hòa nhập, mà cần phải có một trái tim ấm áp, kiên trì nhẫn nại, chấp nhận khó khăn của trẻ để đồng hành với trẻ, thấu cảm với phụ huynh.
“Tôi luôn cố gắng để là một cô giáo đáng yêu trong mắt trẻ, là một người bạn đồng cảm với phụ huynh để phụ huynh hợp tác được với mình. Chỉ khi đó mới thành công hỗ trợ trẻ. Tôi luôn đặt phụ huynh vào vị trí như là thầy của mình, vì phụ huynh dạy tôi rất nhiều điều chăm sóc trẻ. Là cô giáo nhưng tôi không được mặc áo dài thướt tha mà chỉ mặc áo phông rộng rãi để có thể lăn lê bò trườn với trẻ, tập cho các trẻ chưa biết đi, các bé khó khăn… Trẻ leo tới đâu cô leo tới đó; trẻ bò thế nào, tôi cũng bò như vậy, để trẻ biết rằng cô biết chơi với mình, cô hiểu mình” – cô Tuyết chia sẻ.
Nhìn lại hành trình đã đi, cô Tuyết bày tỏ, cuộc đời làm giáo viên của mình là cả cuộc đời hạnh phúc, với nhiều thế hệ học sinh “đặc biệt”, giàu tình yêu thương: Ngày 20-11 của tôi, không có học trò về thăm đâu nhưng phụ huynh dẫn trẻ đến thăm. Học trò gọi tôi là má Tuyết, phụ huynh thì kể cho tôi nghe hôm nay con tiến bộ thế nào… Hạnh phúc của trẻ, của phụ huynh là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, để đứng vững cùng với họ, là người bạn có trong lòng họ…
“Tôi có một học trò, một ngày mẹ mang đến cho tôi bài tập làm văn tả về cô giáo của trẻ. Đọc bài văn đó tôi vừa mắc cười, vừa muốn khóc. Học sinh tả cô giáo của em rất là đẹp, cô giáo rất dễ thương, cô giáo em giỏi lắm, cô biết đi cầu thang, biết chơi cầu tuột, biết nằm bò cho con cưỡi. Con yêu cô giáo con lắm…” – cô Tuyết rưng rưng kể.
Gắn bó hơn 30 năm với giáo dục huyện Cần Giờ, thầy Đặng Thanh Huấn luôn nỗ lực với nghề bằng tình yêu trẻ
Cách trung tâm thành phố hơn 50 km, những năm qua dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, ngành giáo dục huyện Cần Giờ đã không ngừng nỗ lực, đội ngũ giáo viên không ngừng phấn đấu. Điều kiện kinh tế khó khăn, để có thể bám trụ được với nghề, mang những nội dung mới vào từng bài học đã đặt ra cho thầy cô nơi đây những trọng trách lớn hơn bao giờ hết…
33 năm gắn bó với giáo dục Cần Giờ, thầy Đặng Thanh Huấn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước) nhớ lại, những năm 1990, khi vừa mới ra trường, học sinh đến trường phải qua sông, qua đò. Để duy trì, đảm bảo được sĩ số lớp là điều rất khó khăn với giáo viên.
“Chỉ cần các em nghỉ học một ngày để theo ba mẹ đi làm, thì mình phải đến tận nhà, lội ruộng, qua sông, đến gặp phụ huynh, vận động các em đi học đầy đủ”.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, thầy Huấn cho biết thầy cô lại có những khó khăn riêng. Bởi phần nhiều phụ huynh ít có kiến thức về CNTT nên ít đầu tư cho con, giáo viên phải tìm mọi cách, hướng dẫn phụ huynh từ những việc nhỏ nhất, qua việc thiết kế các bài giảng power point, các tiết học có ứng dụng CNTT. “Trong dịch Covid-19, với Cần Giờ để có thể dạy học trực tuyến được là vô cùng khó khăn. Cứ 10 phụ huynh thì chỉ một vài phụ huynh có thiết bị thông minh. Giáo viên phải đi xin từng cái máy cũ để tặng lại cho học sinh, đến tận nhà hướng dẫn học sinh sử dụng…” – thầy Huấn kể.
Yến Hoa
Bình luận (0)