Sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Đào Văn Vĩnh (SN 1992) dù đã phải trải qua những tháng ngày thiếu thốn nhưng vẫn luôn hướng mình đến những điều chân thiện trong cuộc sống. Nhiều năm qua, Vĩnh đã cùng team thiện nguyện của mình và nhiều nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước mang đến cho những mảnh đời khó nghèo, những đứa trẻ mầm non miền núi, nhất là trong trận đại dịch Covid-19 những bữa cơm, suất quà ấm tình người!
Team của Vĩnh tổ chức Trung thu cho trẻ ở nóc Răng Dí (xã Trà Tập, Nam Trà My)
Từ tiệm bánh mì 0 đồng
10 giờ 30 sáng, bà Nguyễn Thị Dung (65 tuổi), quê Quảng Ngãi, làm nghề bán vé số dạo ghé vào tiệm bánh mì bên góc đường Ngô Gia Tự (quận Hải Châu) nhận từ tay một chàng trai trẻ ổ bánh mì, chai nước suối rồi tìm bóng mát gốc cây to ven đường để dùng bữa trưa. Đưa tay quệt vội giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng, bà Dung bảo: “Tui ra đây mưu sinh hơn 5 năm rồi. Nghề bán vé số ngày được, ngày không, thu nhập cũng bấp bênh lắm. Từ ngày có tiệm bánh mì miễn phí của cậu Vĩnh, tui và nhiều người cùng cảnh đã đỡ vất vả hơn vì bữa sáng hoặc bữa trưa không phải tốn tiền đi mua cơm”.
Bánh mì thường được bán phục vụ chủ yếu cho bữa sáng, nhưng ở đây, tiệm mở cả ngày. Cả chủ tiệm và người lao động trao đổi cho nhau những nụ cười và lời cảm ơn thay vì phải trả tiền như thường lệ. Cậu chủ tiệm bánh mì ấy là một chàng trai 28 tuổi – Đào Văn Vĩnh. Quê gốc ở Huế, sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Từ nhỏ, Vĩnh đã không may mắn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống khó khăn và khát khao được yêu thương, chăm bẵm vun đắp trong Vĩnh một nghị lực vươn lên và một tấm lòng nhân ái. Sau tốt nghiệp đại học, Vĩnh trụ lại Đà Nẵng để phát triển sự nghiệp. Gần 2 năm trước, khi có việc làm thu nhập tương đối ổn định, Vĩnh quyết định mở tiệm bánh mì miễn phí dành cho người lao động nghèo. Vĩnh chia sẻ: “Mỗi ngày, em thường hỗ trợ từ 150 đến 200 ổ bánh mì mặn và ngọt cho người nghèo. Em muốn góp một chút sức mình giúp người nghèo khó ấm lòng hơn. Một ổ bánh mì có thể không có gì to tát và đủ đầy nhưng chắc sẽ giúp bà con bớt gánh nặng chi phí một bữa ăn trong ngày”. Người lao động đến nhận bánh mì còn được Vĩnh tặng thêm chai nước suối nhỏ, thi thoảng gặp người khuyết tật, Vĩnh tặng thêm vài hộp sữa nhỏ. Mỗi ngày, Vĩnh chi ra hơn 1 triệu đồng để mua nguyên liệu, bánh mì. Nhiều mạnh thường quân nhã ý chung tay, Vĩnh không nhận tiền mặt mà nhận bằng hiện vật như thịt, chả hoặc bánh mì. Nhiều người khác, cảm phục trước tấm lòng của Vĩnh, đã tranh thủ thời gian đến phụ giúp. Gần 2 năm trở lại đây, tiệm bánh mì đã trở thành điểm đến quen thuộc của những lao động nghèo, người làm nghề bán vé số dạo như thế.
Đến bữa cơm cho người khó
Đó chỉ là một số ít việc làm thầm lặng của Vĩnh và team trong vài năm trở lại đây. Những bước chân thiện nguyện của Vĩnh đã in dấu khắp các ngõ hẻm phố phường cho đến những bản làng vùng cao. Trong nhọc nhằn, gian khó, ở chàng trai ấy vẫn luôn có nụ cười lạc quan và giàu tình yêu thương. Vĩnh bảo, từng là một cậu bé thiệt thòi nên muốn sẻ chia chút ấm áp cho những hoàn cảnh thiệt thòi khác trong cuộc sống. Hạnh phúc là cho đi! |
Dịch Covid-19 quét qua Đà Nẵng, suốt 2 tháng ròng rã, thành phố căng mình phòng chống dịch bệnh. Những hàng quán đóng cửa, nhiều lao động nghèo lao đao vì mất việc. Khó khăn chung nhưng team của Vĩnh vẫn không một ngày rời nhau, lúc thường có 5 đến 7 thành viên, lúc đông lên đến 20 người. Cùng với sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, những suất cơm ấm nóng, những phần quà gồm gạo, mì, thịt… đã lên tuyến đầu và đến tận các ngóc ngách ngõ hẻm của thành phố, nhất là các sinh viên xa quê “mắc kẹt” lại giữa đại dịch.
Vĩnh kể, cùng với những suất cơm và dụng cụ cần thiết tiếp tế cho tuyến đầu chống dịch, Vĩnh và team còn mở ra phiên chợ 0 đồng để giúp sinh viên. Ban đầu chợ được mở với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhưng nhận thấy lượng sinh viên cần thực phẩm đông, tiềm ẩn nguy cơ dịch, thế là Vĩnh chuyển sang phương án tiếp tế tận nơi. Mỗi ngày Vĩnh và team chuyển đến tận tay khoảng 150 sinh viên khó khăn gồm gạo, mì, trứng, ra củ quả. Đó là chưa kể vào thời điểm ấy, mỗi ngày team còn chuyển đến các ký túc xá sinh viên từ 50 đến 60 suất cơm nóng. “Hễ nhận được tin nhắn cần hỗ trợ là team sẽ cử thành viên mang thực phẩm đến. Lúc khó khăn, sự chia sẻ hẳn sẽ ấm lòng”, Vĩnh nói.
Thành phố hết thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, team của Vĩnh lại tất bật với những chuyến khảo sát để mang Trung thu đến với trẻ vùng cao. Vĩnh cho biết, nhóm đã khảo sát xong 3 điểm trường ở nóc Răn Dí, Lăng Lương và Măng Ổi của xã Trà Tập huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với khoảng hơn 150 trẻ. “Ở Trà Tập, có những nóc phải mất gần cả ngày đi bộ băng rừng rất vất vả. Nhưng mang được niềm vui đến cho trẻ em còn thiếu thốn, nhìn các em cười là quên hết mệt nhọc. Hai năm nay, ngoài dịp Trung thu, team còn tổ chức bữa ăn hàng tháng luân phiên cho trẻ mầm non ở các nóc này”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)