Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hạnh phúc trong lòng mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

“Nhng ngày thơ u” là tp hi ký viết v tui thơ đy cay đng và khc nghit ca nhà văn Nguyên Hng. Đon trích “Trong lòng m” đưc chn hc chương trình Ng văn 6, b sách Cánh diu.


Ảnh minh họa

“Những ngày thơ ấu” (gồm 9 chương) là tập hồi ký về tuổi thơ ít niềm vui, nhiều cay đắng của nhà văn Nguyên Hồng. Trong đó, có thể nói chương 4 “Trong lòng mẹ” là đoạn hồi ký ấm áp nhất, tươi sáng nhất của cậu bé Hồng trong quãng đời đen tối đầy nước mắt. Dù rằng, ở đoạn đầu của chương này, bé Hồng chịu không ít tủi nhục trong cuộc đối thoại với bà cô; nhưng niềm hạnh phúc khi được gặp mẹ sau bao ngày xa cách, được ngụp lặn trong tình mẹ của đứa con bé bỏng mới là thông điệp ý nghĩa chính của đoạn hồi ký, khiến người đọc thổn thức, xúc động mãi không thôi.

Để hiểu rõ hơn về chương 4, chúng ta điểm qua một chút về các chương trước và sau của tập hồi ký này. Chương 1, 2, 3, cậu bé Hồng sống trong một gia đình có bố nghiện ngập rồi bỏ nhà ra đi, để lại người mẹ tủi phận, lặng im cùng hai đứa con suốt ngày chịu sự xoi mói, chì chiết của nhà nội. Sau đó mẹ bé Hồng đã dắt em Quế bỏ đi xa sau những tháng ngày cực nhọc mà vẫn không thể gánh nổi “gánh bàn đèn”. Bé Hồng ăn cắp tiền mua thuốc phiện và hàng ngày lê la trên các con phố để đánh đáo ăn tiền. Còn chương 5, 6, 7, 8, 9 là hồi ký của bé Hồng những ngày cơ cực, bị họ hàng khinh rẻ chèn ép, bị chửi mắng vì “mẹ đĩ theo giai”, bị đối xử bất công, ăn uống thiếu thốn… khi bị buộc phải ở nhờ nhà cô ruột. Không có ai chăm sóc, bé Hồng lang thang ngoài đường và sa vào nghiện đánh đáo ăn tiền. Tiếp đó, bị phạt quỳ và bị đối xử không công bằng, Hồng đã bỏ lớp ra ngoài sau những cố gắng chuộc lỗi… 

Nhà văn Nguyên Hồng, tên khai sinh Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5-11-1918 tại phố Hàng Cau, nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Nhà văn Nguyên Hồng qua đời ngày 2-5-1982 tại Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) do đột tử, hưởng thọ 63 tuổi. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Như thế, có thể nói trong chuỗi ngày đen tối ấy, được gặp lại mẹ ở chương 4 là khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng của bé Hồng. Chắc chắn, xa mẹ lâu ngày, sống dưới sự hắt hủi của nhà nội, cậu bé vô cùng mong muốn được gặp mẹ. Chẳng thế mà khi nghe bà cô nói: “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?”, cậu bé toan trả lời có vì cậu đã luôn sống trong cảnh “thiếu thốn một tình thương yêu ủ ấp”. Khát khao cháy bỏng đó khiến cậu vừa “chợt thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo giông giống mẹ… liền đuổi theo, gọi bối rối… Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!…”. Chuỗi hành động thoáng thấy, đuổi theo rồi gọi phù hợp với tâm lý của một đứa trẻ vì bất đắc dĩ phải xa mẹ, lâu không được gặp mẹ, và hình ảnh mẹ luôn thường trực trong tim. Chẳng thế mà, dù cho việc nhận nhầm mẹ có trở thành “trò cười tức bụng cho lũ bạn” hay làm cậu “thẹn mà còn tủi cực nữa”, thậm chí “chẳng khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” thì lý trí cũng chẳng ngăn nổi con tim. Ba tiếng kêu “mợ ơi” liên tục như sự dồn nén muốn được bung tỏa. Cho dù đó không phải là mẹ, nhưng tiếng gọi bối rối ấy phần nào giải tỏa cơn khát tình yêu của đứa con bé bỏng. Tất nhiên, con tim có sự sáng suốt riêng của nó. Dù thoáng thấy, nhưng quả thật bé Hồng đã nhận ra đúng mẹ mình. Chỉ mất vài giây để cậu đuổi kịp mẹ dù “thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi… ríu cả chân lại” và “òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Những giọt nước mắt bấy lâu dồn nén nay được vỡ òa hạnh phúc. Được mẹ kéo tay, xoa đầu, “lấy vạt áo nâu thấm nước mắt… xốc nách lên xe; rồi “đùi áp đùi mẹ… đầu ngả vào cánh tay mẹ” là những điều tưởng như bình thường với tất cả những đứa trẻ khác nhưng với bé Hồng là nỗi ước mong bấy lâu nay mới thành sự thật. Thế nên cậu vô cùng hạnh phúc “thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”. “Cảm giác” lại “mơn man khắp da thịt” nghe có vẻ vô lý, nhưng ở đây có thể lý giải được. Khi quá xúc động, cảm xúc của con người dường như có thể cụ thể hóa thành cái gì sờ, nắm được, lại vừa như sợi dây cảm giác lan tỏa khắp bộ phận cơ thể. Đó là cảm giác lâng lâng được “lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một sự êm dịu vô cùng”. Rõ ràng, dù là người trưởng thành thì với mẹ, trong mẹ, mỗi đứa con vẫn  luôn là đứa trẻ. Huống hồ Hồng vẫn còn là một đứa bé, lại là đứa bé bấy lâu sống trong tủi nhục và thiếu tình thương. Thế nên, được ở trong lòng mẹ, hòa làm một tuyệt diệu với mẹ là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng lúc này. Chẳng thế mà Hồng thấy “gương mặt mẹ vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật má hồng của hai gò má”; hơi quần áo mẹ và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn “thơm tho lạ thường”; những lời cay độc của bà cô “bị chìm ngay đi”, “trong những phút rạo rực ấy” chỉ còn con sống trong tình mẹ, mẹ ôm ấp hình hài máu mủ bấy lâu vì hoàn cảnh phải xa cách. Thậm chí, cậu không còn nhớ mẹ đã hỏi và cậu đã trả lời những gì. Chắc hẳn, xa mẹ lâu như vậy, lại suốt ngày nghe những lời châm chọc, xỉa xói, khích bác của họ hàng bên nội, Hồng có nhiều điều muốn hỏi mẹ, muốn tâm sự với mẹ. Vậy mà ngay giây phút này đây, cậu “không mảy may nghĩ ngợi gì nữa”. Khuôn mặt mẹ, nước da mẹ, ánh mắt mẹ, hơi thở mang theo cả vị nồng của trầu nơi mẹ ngập tràn trong ánh mắt, lấp đầy con tim chú bé Hồng. Có thể nói, Hồng chỉ một thoáng để nhận ra mẹ, vài giây để đuổi kịp xe mẹ, vài phút để khóc nức nở trong lòng mẹ, và vài ngày trong dịp giỗ bố để được ở gần mẹ; nhưng niềm hạnh phúc của lần gặp gỡ sẽ kéo dài mãi, sưởi ấm cõi lòng cô đơn của đứa trẻ trong suốt cuộc đời đầy đắng cay, tủi nhục.

Nếu nói “Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em”, thì chương 4 của tập hồi ký “Những ngày thơ ấu” đã hướng tới hai đối tượng này với tình cảm yêu thương và trân trọng nhất. Bằng những dòng hồi ký chân thực giàu chất trữ tình, nhà văn đã tái hiện lại những phút giây hạnh phúc đạt đến đỉnh điểm của chú bé bất đắc dĩ phải xa mẹ, rồi được gặp mẹ, ở trong lòng mẹ. Quả thật, với đoạn trích “Trong lòng mẹ”, Nguyên Hồng đã thể hiện thành công “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” (Thạch Lam).

Nguyn Th(giáo viên ng văn Trưng THCS Hi Thưng Lãn Ông, Hà Tĩnh)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)