Dân gian có câu: Đau đầu sổ mũi cảm ho/Muốn cho chóng khỏi cháo hành ta ăn; hay Trước hiên có chậu hành ta/Bữa ăn ngon miệng phải gia thêm hành…
Theo y học cổ truyền, hành có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm tan lạnh, thông khí, giải cảm, sát trùng. Dân gian thường dùng hành chữa cảm mạo. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh được chế biến từ củ hành, theo hướng dẫn của lương y Trần Khiết, Quốc Trung.
Chữa cảm mạo phong hàn: Hành củ 10g, lá tía tô 10g, hai cái lòng đỏ trứng. Thái nhỏ hành, lá tía tô. Nấu nồi cháo nóng, cho hành và tía tô, trứng vào đánh đều lên, nêm nếm gia vị, ăn khi cháo còn nóng. Món cháo này có tác dụng giải cảm, ra mồ hôi rất hay.
Hoặc chữa cảm mạo, người không ra mồ hôi thì lấy khoảng 5 củ hành ta (để cả rễ), một ít gừng tươi (giã nát, hoặc cắt lát), một ít gạo loại ngon. Nấu cháo cho gừng vào trước, khi gần chín thì cho hành (đã cắt nhỏ) vào, cho một ít giấm ăn, nêm nếm gia vị và tiêu. Dùng cháo lúc còn nóng để ra mồ hôi, giải cảm. Để giải cảm còn có thể dùng khoảng 50g củ hành đập dập, 50g đậu xị, một ít gạo, đem nấu cháo, nêm nếm gia vị, tiêu, dùng lúc cháo còn nóng cho ra mồ hôi.
Khánh Vy / TNO
Bình luận (0)