Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Hành tinh có gió giật 8.700km/h và khí quyển 3.000 độ C

Tạp Chí Giáo Dục

Nghiên cứu của các nhà thiên văn học Thụy Sĩ chỉ ra ngoại hành tinh HD 189733 b có thời tiết khắc nghiệt nhất vũ trụ.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Geneva và Bern, Thụy Sĩ, tính toán những cơn gió trên hành tinh ngoài hệ Mặt Trời HD 189733 b có tốc độ lên tới 8.700 km/h, gấp 7 lần vận tốc âm thanh, New Zealand Herald hôm nay đưa tin. Tuy nhiên, điều kiện này chưa đủ khắc nghiệt nếu so sánh với cơn mưa thủy tinh trên hành tinh, được so sánh với "hàng nghìn nhát cắt chết người".
"Thế giới ác mộng ở HD 189733 b chính là tử thần mà bạn chưa từng bắt gặp. Khi nhìn từ xa, hành tinh có màu xanh tươi sáng, rất dễ nhầm với bầu trời hiền hòa của Trái Đất. Nhưng thời tiết ở đây quả là chết người", Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận xét.
Màu xanh dương của hành tinh không phải kết quả phản chiếu từ đại dương như trên Trái Đất mà do bầu khí quyển hành tinh bao gồm những đám mây xen lẫn hạt sillicat.
Bầu khí quyển hành tinh HD 189733 b có nhiệt độ lên tới 3.000 độ C.
Bầu khí quyển hành tinh HD 189733 b có nhiệt độ lên tới 3.000 độ C.
HD 189733b là một hành tinh khí khổng lồ lớn hơn sao Mộc ở cách Trái Đất 63 năm ánh sáng. Hành tinh nằm trong chòm sao Vulpecula, còn gọi là "cáo nhỏ". HD 189733b quay quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách gần hơn 13 lần so với khoảng cách từ sao Thủy đến Mặt Trời và hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ trong 2,2 ngày.
Theo tiến sĩ Kevin Heng, người đứng đầu nghiên cứu, phát hiện rất quan trọng bởi kết quả dựa trên quan sát từ một kính viễn vọng nhỏ trên mặt đất với đường kính 3,6m ở Đài quan sát Nam châu Âu (ESO) ở La Silla, Chile, nhưng các phép đo có chất lượng không thua kém kính viễn vọng không gian Hubble.
Kỹ thuật nhóm nghiên cứu của Heng sử dụng là đo tín hiệu natri từ những hành tinh xa xôi. Khi một hành tinh đi qua phía trước ngôi sao mẹ, cường độ tín hiệu này sẽ thay đổi. Tùy theo độ mạnh yếu của tín hiệu, các nhà thiên văn có thể tính toán độ nóng trên hành tinh.
Do tín hiệu phát ra từ nhiều độ cao khác nhau, nhóm nghiên cứu có thể đo cả khác biệt nhiệt độ dọc theo bầu khí quyển. Ở gần mặt đất, nhiệt độ của hành tinh giảm từ 3.000 xuống 1.700 độ C.
Để đo sức gió, họ dựa vào thay đổi trong tín hiệu natri truyền đến Trái Đất. Những thay đổi này chỉ ra gió trên hành tinh di chuyển theo vòng tuần hoàn với tốc độ siêu nhanh. Phép đo từ kính viễn vọng không gian Hubble cũng cho kết quả tương tự.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển mở ra cơ hội tìm hiểu về bầu khí quyển của những ngoại hành tinh xa xôi mà không cần sử dụng đài thiên văn đồ sộ hoặc kính viễn vọng không gian.
TT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)