Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hành trang đến trường ngày càng nặng trên vai người học

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay (2-3), học sinh THPT và học viên GDTX ở nhiều địa phương trên cả nước quay trở lại trường học sau một kỳ nghỉ khá dài, vừa Tết Nguyên đán vừa nghỉ để phòng chống dịch Covid-19. Dịp này, chúng ta hãy nhìn lại hành trang đến trường khá nhọc nhằn của người học trong một số chặng đường lịch sử nóng hổi đã qua.

Những năm Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc (khoảng những năm 1965-1968), học sinh đến trường ngoài tập vở còn có thêm vật dụng cứu thương, xẻng và một chiếc nón rơm đội đầu để vừa học vừa đào hầm, tránh bom đạn. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng là một học sinh trong hoàn cảnh như thế. Tôi nhớ trong bài thơ Chào xuân 67 của Tố Hữu thời tôi học tiểu học trước đây có nói về việc này: Chào các em, những đồng chí tương lai/ Mang mũ rơm đi học đường dài… / Chuyện thần kỳ của dân tộc ta là vậy.

Sau 1975, hết chiến tranh lửa đạn nhưng kinh tế còn khó khăn, hành trang học sinh đến trường nhẹ hẳn. Chiếc cặp xách của học sinh ngày ấy chỉ vỏn vẹn vài cuốn sách (mượn thư viện), vài cuốn tập (một cuốn học nhiều môn), một lọ mực và cây bút chấm. Để giải trí, trẻ ngày ấy còn mang theo mấy hòn bi, dây nhảy, dây ná, chiếc lon sữa bò (chơi trò lấy dép tạt lon)… Kỷ niệm đơn sơ ấy, được cô con gái của cố thi sĩ Chế Lan Viên là Phan Thị Vàng Anh nói hộ thế hệ chúng tôi trong bài thơ Mèo con đi học (được đưa vào sách tập đọc lớp 1 trước đây), mà chị viết năm 1975: Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một chiếc bút chì/ Và mang một mẩu bánh mì con con.     

Khi kinh tế phát triển, đất nước hội nhập toàn cầu, hành trang đến trường của học sinh, sinh viên cũng thay đổi theo. Không còn thấy những vật dụng trên nữa. Thay vào đó là đa dạng các đầu sách của nhiều môn học mà trước đây chưa có, là những cuốn tài liệu tham khảo dày cộm để học thêm, là các vật dụng hỗ trợ việc học mà trước đây có đỏ mắt tìm cũng không thấy. Học sinh ngày nay phải gánh gồng thêm trên vai trong kỷ nguyên số những chiếc máy tính bảng, laptop, smartphone…, nếu không muốn mình bị “đào thải” vì lạc hậu.   

Và từ tuần này, trong bối cảnh của “đại dịch” virus Covid-19 hoành hành, hành trang của học sinh, ngoài những thứ như nói ở trên còn có thêm một tờ cẩm nang chống dịch, vài chiếc khẩu trang y tế, một vài chai nước rửa tay kháng khuẩn. Học sinh ngày nay không cần đến những kỹ năng như bắn bi thật giỏi; trải nghiệm tắm dầm mưa, phơi nắng sao cho không bị cảm; kỹ năng tính nhẩm, tính que sao cho thật nhanh… mà thay vào đó là những kỹ năng chỉ thời @ mới có, như kỹ năng sử dụng mạng xã hội, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, chống lạm dụng, xâm hại tình dục… Và bây giờ là kỹ năng phòng chống dịch bệnh lây nhiễm. Quả thật, chưa bao giờ hành trang đến trường nặng nề trên vai của trẻ như hiện nay. Biểu đồ về việc học của học sinh luôn theo chiều tăng dần về gian nan, thử thách!

Trn Ngc Tun (giáo viên THPT)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)