Điều kiện cần thiết, thời điểm nào thích hợp để khởi nghiệp… là những nội dung được học sinh đề cập và các chuyên gia mổ xẻ tại chương trình hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Đồng Nai.
Ông Nguyễn Xuân Luyện (Phó Ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trao đổi thông tin thêm với các em học sinh Trường THPT Thống Nhất A |
Robot chỉ thay thế lao động giản đơn
“Bên cạnh chọn nghề theo nhu cầu nhân lực, các em còn phải xem nghề đó có phù hợp với mình hay không thì mới phát triển được”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) nói. |
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết từ nay đến năm 2025, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần 300.000 lao động/ năm, trong đó riêng Đồng Nai cần 130.000 lao động; Bình Dương cần 90.000 lao động; Tây Ninh cần 70.000 lao động… Trong quá trình hội nhập, Việt Nam mở rộng và phát triển các loại hình kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần lao động có chất lượng cao. Đó là chưa kể nguồn lao động phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cơ hội việc làm thì rộng mở nhưng ông Tuấn lưu ý: Bên cạnh chọn nghề theo nhu cầu nhân lực, các em còn phải xem nghề đó có phù hợp với mình hay không thì mới phát triển được. Ông Tuấn cho biết thêm, thị trường lao động Việt Nam hiện là thị trường mở, lao động tự do dịch chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, chỉ số cạnh tranh năng lực của lao động Việt Nam còn thấp, kém hơn cả Lào và Myanma. Các ngành công nghệ kỹ thuật cao hiện đang “khát” lao động nhưng đào tạo lại không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.
Trước những bức xúc của học sinh về vấn nạn môi trường ô nhiễm, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường còn hạn chế và quyết tâm học ngành môi trường để có thể chung tay bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Xuân Luyện (Phó Ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) gợi ý các em nên theo học ngành kỹ thuật môi trường. Theo ông Luyện, đây là ngành học trang bị những kiến thức giúp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, cụ thể như ngăn ngừa, giảm thiểu, thu hồi, tái chế, xử lý chất thải thông qua các biện pháp sinh – lý – hóa…
Nhóm học sinh lớp 12A6 Trường THPT Thống Nhất A đặt vấn đề: “Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng robot trong phẫu thuật, số lượng sinh viên ra trường mỗi năm của nhóm ngành bác sĩ tăng cao, liệu có bị thất nghiệp hay không?”. Ông Trần Anh Tuấn thừa nhận sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ dần thay thế lao động ở một số ngành nghề. Tuy nhiên chỉ thay thế lao động giản đơn, không thể thay thế tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất cũng như phẫu thuật. “Nắm bắt được xu hướng của công nghệ, nhiều trường đã chuyển công năng đào tạo theo hướng đào tạo trí tuệ nhân tạo” ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến ý này, ThS. tâm lý Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho rằng robot là sản phẩm do chính con người lập trình nhưng để vận hành đòi hỏi phải có con người. Hơn nữa, máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, không quyết định chi phối trong ngành y tế.
Muốn khởi nghiệp phải có nghề
Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại hai trường: THPT Nguyễn Trãi và THPT Thống Nhất A của tỉnh Đồng Nai. |
Khởi nghiệp là cụm từ được học sinh Trường THPT Thống Nhất A nhắc đến nhiều trong buổi hướng nghiệp. Em Nguyễn Tấn Phát (học lớp 12A9) hỏi: “Để thuận lợi trong khởi nghiệp thì cần những hành trang gì?”. ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng thông tin và truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiện TP.HCM) cho rằng muốn khởi nghiệp trước hết phải có nghề, tiếp đến là lòng kiên trì, có năng lực phân tích thị trường, có quan hệ để tạo nguồn vốn, hiểu biết về luật pháp, thị trường kinh doanh… Đặc biệt, niềm tin và dám đương đầu là những yếu tố góp phần quyết định sự thành công.
Em Đức Tín (học lớp 12A3) cũng quan tâm đến khởi nghiệp nhưng cụ thể hơn với ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên em còn chút lo lắng vì thực tế nhiều người khởi nghiệp không thành công. “Không phải học xong lớp 12, CĐ-ĐH là khởi nghiệp mà nhiều người khởi nghiệp sau thời gian làm việc ở các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Chính nhờ môi trường ấy đã cho các anh chị kinh nghiệm, vốn sống và các mối quan hệ, đó là hành trang cần thiết để khởi nghiệp” ông Quán cho biết.
Tại Trường THPT Nguyễn Trãi, ban tư vấn cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ những thắc mắc của học sinh liên quan đến vấn đề khởi nghiệp. Một học sinh lớp 12A4 hỏi: “Tốt nghiệp lớp 12 xong, khởi nghiệp luôn liệu có thành công?”. ThS. Trần Thị Thúy Trang (Tổ chức Giáo dục QTS) cho rằng nếu không đi học tiếp, chọn đi đường dài như vậy sẽ dễ bị hụt hơi bởi khởi nghiệp cần một vốn kiến thức tổng hợp. Bà Trang khẳng định: “Khi đã có đủ kinh nghiệm nhờ quá trình trải nghiệm trong thời gian làm thuê thì khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn”.
T.Anh
Bình luận (0)