Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Hành trang vững chắc cho kỳ thi THPT quốc gia 2019

Tạp Chí Giáo Dục

So với năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ có nhiều đổi mới. Cụ thể là tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia lên 70% và 30% còn lại là điểm học bạ lớp 12. Với tỷ lệ này, tỉnh Đồng Nai sẽ giảm khoảng 7% tỷ lệ tốt nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không ảnh hưởng lớn đến con số nếu ngay từ bây giờ học sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và tinh thần.

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) trao đổi với học sinh Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng

Thông tin này được TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 tổ chức tại Trường THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng (Đồng Nai) ngày 22-2. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM và Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cùng nhiều đơn vị khác. Cùng ngày, chương trình còn diễn ra tại Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng và Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai.

Được thay đổi nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi THPT quốc gia

Theo TS. Mai, năm nay học sinh vẫn làm 5 bài thi. Trong đó có 3 bài mang tính chất bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và 2 bài tự chọn ở tổ hợp môn tự nhiên và xã hội. “Học sinh nên dựa vào điểm mạnh của mình để chọn bài thi phù hợp. Các em chọn 1 trong 2 bài thi chứ không nên chọn cả 2 vừa tốn thời gian, công sức mà bài thi lại không đạt được chất lượng cao”, TS. Mai nhắn gởi.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Cũng theo TS. Mai, năm 2019 có một số điểm mới. Cụ thể, nội dung thi THPT quốc gia chủ yếu tập chung vào chương trình lớp 12 nhưng vẫn có thêm kiến thức lớp 10, 11 và độ phân hóa cao. Công tác coi thi, chấm thi cũng thay đổi. Giám thị sẽ là những giảng viên, cán bộ của các trường CĐ-ĐH hoặc thầy cô của trường khác đến nên quản lý, trông coi rất nghiêm ngặt.

TS. Mai lưu ý thêm: “Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, học sinh được thay đổi nguyện vọng 1 lần để phù hợp với bản thân và năng lực. Riêng việc xét tuyển học bạ đối với nhóm ngành sức khỏe, thí sinh phải có chứng chỉ hành nghề. Còn ngành sư phạm không quy định chiều cao, miễn tổng điểm 3 môn đạt 17 điểm (ĐH), 15 điểm (CĐ), 13 điểm (TC) là đậu”.

Tự giải tỏa áp lực và học theo sơ đồ tư duy

Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo đối với tất cả học sinh khi đề cập đến áp lực học tập trước ngày thi cử. Theo bà Thảo, để giúp kỳ thi THPT quốc gia thành công, học sinh phải có một sức khỏe tốt. Theo đó, các em cần phân bố các bữa ăn (sáng, chiều, tối) cho hợp lý, tránh trường hợp ăn quá no. Đặc biệt, trong mâm cơm phải có chất đạm, sắt, vitamin… để cơ thể hấp thu đủ dưỡng chất.

ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) trao đổi với học sinh Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng

Bên cạnh đó, học sinh cũng hết sức quan tâm đến giấc ngủ của mình, nhất là những ngày cận thi. “Chúng ta nên ngủ sớm, thức sớm kết hợp với việc vận động phù hợp bằng những trò chơi nhẹ, tránh những trò chơi bạo lực, có tính chất gây sát thương, ảnh hưởng đến việc thi cử” , bà Thảo lưu ý.

“Ngoài ra, bản thân mỗi học sinh tự vạch ra cho mình một kế hoạch học tập hợp lý. Tránh học theo kiểu nhồi nhét kiến thức, học vẹt. Tốt nhất là học theo sơ đồ tư duy để nhớ lâu hơn, nắm vững kiến thức hơn. Nên ưu tiên học những môn thuộc sở trường của mình trước, còn những môn khó học sau, học từ từ, chậm mà chắc. Trong 2 ngày trước khi thi, học sinh nên dừng việc học tập lại để tự xả stress bằng cách giao lưu, nói chuyện với bạn bè, hoặc tham gia một số trò chơi nhẹ để đầu óc được thoải mái, sẵn sang…ra trận”, bà Thảo khuyên. Và cuối cùng là nắm vững quy chế thi. Theo bà Thảo, quy chế thi vô cùng quan trọng. Do đó, chúng ta phải hết sức lắng nghe, chú ý giám thị coi thi nhắc nhở, chỉ dẫn. Bởi khi nắm được những điều quan trọng này, các em sẽ cảm thấy tự tin, bản lĩnh và chiến thắng.

Ngành luật thu hút sự quan tâm của học sinh

Tại chương trình, nhiều học sinh bày tỏ sự thích thú đối với ngành luật nhưng lại băn khoăn về phương thức xét tuyển. Để giúp các em hiểu rõ hơn, ThS. Lương Minh Sơn (đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Hiện tại TP.HCM có rất nhiều trường ĐH đào tạo ngành luật với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Riêng Trường ĐH Luật TP.HCM xét theo điểm học bạ và điểm thi THPT quốc gia. Khi qua vòng này, thí sinh sẽ vượt qua một ải nữa là kỳ thi đánh giá năng lực. Sau 2 vòng đó, trường sẽ công bố kết quả. Những em trúng tuyển sẽ được đăng kí online qua cổng thông tin điện tử của trường vào ngày 11-4. Tùy vào năng lực bản thân của thí sinh, nhà trường sẽ phân theo chuyên ngành: Luật kinh tế, luật dân sự…

Tại Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng, em Nguyễn Việt Hưng (lớp 10A) băn khoăn: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, CNTT… rất được chú trọng. Vậy ngành luật liệu có chỗ đứng hay không?”. Với băn khoăn này, ThS. Sơn khẳng định: Ở thời đại nào, pháp luật cũng vô cũng quan trọng vì nó giúp người dân, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong công việc. Nếu không có pháp luật thì xã hội sẽ loạn và không có nề nếp. Đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành luật lại rất cần thiết, chẳng hạn như Luật An ninh mạng… Vì vậy, dựa vào sở thích và năng lực, em có thể chọn một chuyên ngành luật để theo học.

“Khi xét tuyển vào ngành luật có cần chứng chỉ tin học quốc tế hay không?”. Đây là câu hỏi của em Huỳnh Thị Mỹ Duyên (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai). ThS. Sơn thông tin, ở Trường ĐH Luật TP.HCM không có quy định đầu vào về chứng chỉ quốc tế, chỉ cần các em đủ điều kiện xét tuyển như đã nói ở trên là được. Vì vậy, đây là nơi để các em yếu tin học, ngoại ngữ theo học.

Học ngành dịch vụ có thể làm nhiều nghề

Đây là nhận định của ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) khi trả lời câu hỏi của em Bùi Thanh Hiếu (lớp 12C9 Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai). Theo ThS. Huy, ngành dịch vụ bao gồm quản trị du lịch lữ hành; nhà hàng, ăn uống; khách sạn. Trong quá trình học tập, các em sẽ được đào tạo kiến thức có liên quan với nhau. Ngoài ra khi học ở HUTECH, nhà trường còn có trung tâm quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên đi làm kiếm thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm. Về vị trí thực tập, sinh viên cũng không phải lo lắng vì trung tâm này luôn chào đón các em. Ngoài ra, mỗi năm nhà trường sẽ tổ chức 2 ngày hội việc làm dành cho sinh viên, khi đó các em dựa vào năng lực và đam mê để chọn công việc phù hợp.

ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông, UEF) tư vấn thêm cho học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng

“Nếu chọn học ở UEF thì ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được học thêm ngoại ngữ. Vì đây là ngôi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, 50% học bằng tiếng Anh. Nhờ đó cơ hội được làm việc tại các công ty lớn, công ty nước ngoài là rất cao”, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông, UEF) giải đáp câu hỏi của học sinh Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng.

Trong khi đó, tại Trường THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng, em Nguyễn Lê Hiếu Trung (lớp 12C9) lo lắng:  “Học quản trị du lịch lữ hành thì ra trường sẽ làm gì, làm ở đâu?”. Bà Ngô Thị Thanh Xuân (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn) cho biết: “Nếu học sinh không có khả năng học ĐH thì có thể học tại trường CĐ. Vấn đề ở đây không phải là học bậc nào, trường nào mà quan trọng là ở năng lực của bản thân. Học CĐ, chúng ta chỉ mất 2,5 năm trong khi ĐH phải dài hạn nhưng khi ra trường cũng làm những việc giống nhau như: Hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, nhà thiết kế tour…, chỉ khác ở chỗ là khả năng ngoại ngữ. Vì đó là cơ hội để các em làm việc trong môi trường nước ngoài”.

Kiều Khánh

 

 

 

 

Bình luận (0)