Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Hành trình” của giọt máu

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Nguyễn Đào Thái tươi cười sau khi hiến máu Theo Trung tâm Hiến máu nhân đạo (TTHMNĐ) TP.HCM, nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị tại TP.HCM mỗi tháng khoảng trên 10.000 đơn vị máu. Còn trên bình diện cả nước thì mỗi năm, nước ta cần khoảng 1 triệu 680 ngàn đơn vị máu.

Giọt máu cho đi hóa… ân tình

Bác sĩ Phạm Văn Quân, Phó giám đốc TTHMNĐ TP.HCM cho biết, lượng máu thu được từ những người hiến máu tình nguyện hiện chỉ vừa đủ để cung cấp cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM. Máu từ đây sau khi qua sàng lọc, kiểm tra sẽ được chuyển đến các bệnh viện trong thành phố để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị. Hiện nay, nguồn máu chủ yếu mà TTHMNĐ TP.HCM lấy được là từ sinh viên ở các trường ĐH – CĐ, THCN, các tổ chức đoàn thể, các công ty… thông qua hoạt động hiến máu nhân đạo. Trong đó, nguồn lấy từ sinh viên là chủ yếu vì đây là lực lượng thanh niên trẻ chiếm số lượng đông, có nhận thức cao vì cộng đồng.

Máu của chúng ta là một dược phẩm vô giá, chưa có một thứ thuốc nào thay thế được, cũng như chưa nơi nào chế tạo ra được bằng phương pháp nhân tạo. Không có máu cấp cứu và điều trị thì người bệnh sẽ chết. Mỗi giờ, cả nước có hàng trăm người bệnh cần được truyền máu vì: bị mất máu do chấn thương, tai nạn, xuất huyết; do các bệnh gây thiếu máu, chảy máu, ung thư máu, suy tủy xương, máu khó đông; bồi phụ máu mất cho các ca mổ, đặc biệt là các ca mổ lớn, ghép tạng… Đặc biệt, nguồn máu dự phòng cho các thảm họa, tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn là điều rất cần thiết.

Nhìn cảnh các bạn sinh viên háo hức xếp hàng dài bên ngoài xe lấy máu lưu động chờ đến lượt mình hiến máu, mới thấy trân trọng những tấm lòng vì cộng đồng của thế hệ trẻ hôm nay. Dù hơi choáng khi vừa hiến xong 350 ml máu nhưng bạn Nguyễn Đào Thái, sinh viên năm 2 khoa Tài chính ngân hàng, Trường Cao đẳng Tài chính – Hải quan (quận 9, TP.HCM) vẫn tươi cười: “Mình hiến máu được ba lần rồi. Lần nào hiến xong mình cũng thấy vui vui vì biết những giọt máu của mình sau này sẽ cứu giúp cho người bệnh. Cả người cho và người nhận tuy không biết mặt nhau, nhưng mình tin sẽ có sự giao cảm nào đó. Khi bạn đi hiến máu thì trong bạn sẽ có một niềm tin rằng, lúc mình hoặc người thân mình gặp nạn cần truyền máu thì cũng đã có nguồn máu để cấp cứu”.

Hạnh phúc lan tỏa

Khác với những người đi “bán máu chuyên nghiệp”, người hiến máu nhân đạo tự biết mình có đủ sức khỏe nên đa số họ có máu tốt và rất ít bị nhiễm bệnh. Người hiến máu sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Máu sẽ được hoàn trả cho bản thân người hiến máu khi có nhu cầu. Ngoài ra, người hiến máu còn được xét nghiệm máu miễn phí, những ai bị nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được tư vấn miễn phí, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân.

Sinh viên xếp hàng chờ hiến máuHiện nay, có nhiều người không dám đi hiến máu vì còn mang tâm lý e ngại, sợ sau khi hiến máu xong sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Những quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm, bởi các thành phần máu chỉ có đời sống trong một thời gian nhất định và được thay thế hằng ngày (như hồng cầu trong cơ thể có đời sống khoảng 120 ngày, sau đó sẽ được thay thế bởi hồng cầu mới). Chính đời sống tuần hoàn đó của các thành phần máu đảm bảo cho việc hiến máu không có hại gì đến sức khỏe. Các tế bào máu luôn luôn thay đổi, được sinh ra liên tục ở tủy xương. Đối với bạch cầu và tiểu cầu, những thay đổi sau khi cho 250ml – 350ml máu, thậm chí 450ml máu là không đáng kể. Khoảng 3 tuần sau khi hiến máu thì các tế bào máu sẽ được phục hồi như trước khi hiến máu. Trên thực tế, người hiến máu cho đi 1/10 lượng máu trong cơ thể thì sức khỏe vẫn bình thường.

Anh Nguyễn Thành Đông, nhân viên TTHMNĐ TP.HCM, người đã hiến máu nhân đạo 14 lần với 23 đơn vị máu chia sẻ: “Sức khỏe tôi bây giờ rất tốt. Sau mỗi lần “thay máu” như vậy tôi thấy tinh thần mình sảng khoái lên. Hãy nghĩ đến niềm hạnh phúc của những bệnh nhân khi được truyền máu lúc gặp nạn thì khi đó hạnh phúc cũng sẽ lan tỏa đến bạn”. Còn anh Nguyễn Hữu Thuận, nhà ở đường Âu Cơ (phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM), người đã hiến máu nhân đạo 52 lần với 92 đơn vị máu cho hay: “Khi đã hiến máu một lần thì trong bạn sẽ nảy sinh niềm tự hào vì đã giúp ích cho cộng đồng. Rồi niềm tự hào đó sẽ biến thành ý thức, bạn sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hãy hiến máu đi, rồi bạn sẽ được sống trong những trải nghiệm của chúng tôi, những cảm giác mà chỉ khi là người trong cuộc thì bạn mới thấu hiểu”.

Tất cả mọi người khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 60 đối với nam, từ 18 đến 55 đối với nữ đều có thể tham gia hiến máu. Nam được hiến tối đa 4 lần trong 1 năm, còn nữ được 3 lần, khoảng cách giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần. Các tổ chức, cá nhân tại TP.HCM muốn tham gia hiến máu cứu người hãy liên hệ số điện thoại đường dây nóng: (08)9253045 (số di động 0988898340) để đăng ký, hoặc có thể đến hiến máu trực tiếp tại TTHMNĐ TP.HCM (201 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1).

 

Bài và ảnh: Nguyễn Nam

Bình luận (0)