“Đam mê đọc sách, bản thân nhận được nhiều điều bổ ích từ sách đã giúp em và các bạn thực hiện dự án “Sách đến tay em”. Đối với hành trình mang sách đến với trẻ em vùng chưa đủ điều kiện tiếp cận văn hóa đọc, chúng em chỉ mong gửi tặng các bạn nhỏ những “cái chạm mới” trong tâm hồn để từ đó hạt giống ẩn khuất nơi các bạn sẽ được nở hoa” – Thái Hải Đăng – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) chia sẻ.
Mỗi tuần Hải Đăng đều tranh thủ thời gian đạp xe quanh Hà Nội quyên góp sách để tặng học trò vùng khó
Cần người gieo mầm vào đất
Hải Đăng cho tôi cái hẹn vào một ngày đầu xuân, trước khi gói gắm hành trang từ Vĩnh Long trở về Hà Nội để tiếp tục việc học và thực hiện hành trình đạp xe xin sách tặng các bạn vùng cao. Câu chuyện về sách ngày đầu năm của chàng sinh viên năm 3 tràn nhiệt huyết mang nhiều hy vọng. Hải Đăng kể, năm lớp 11, khi đang là học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt (Vĩnh Long), Đăng đã gặp nhiều người bạn và thầy cô giáo truyền cho em cảm hứng đọc sách. “Người bạn đầu tiên truyền cho em niềm đam mê sách là bạn Nguyễn Thụy Hồng Thắm. Thắm ham đọc sách và truyền niềm đam mê đó sang cho em. Qua Thắm và sách, em hiểu ra rằng, sách mang lại nhiều thú vị, nhiều kiến thức bổ ích cần khám phá. Để lan tỏa văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở việc đọc mà cần nhiều hơn thế, như cái cách gieo hạt giống vào đất và cần người làm việc đó”.
Hải Đăng phân loại sách trước khi đưa đến tặng các điểm trường vùng cao
Đăng kể, chính quãng thời gian này, Đăng được thầy Đỗ Lý Ly – giáo viên môn ngữ văn chở về ở Mang Thít (Vĩnh Long) tham gia ngày Tết sách. Thầy Ly đã làm một nhịp cầu đưa Hải Đăng đến với sách. Trong ngày Tết sách, Đăng gặp thêm nhiều thầy giáo và bạn bè cùng có niềm yêu thích sách. Những điều đó giúp Đăng ấp ủ xây dựng một CLB sách tại trường mình. Trở về từ Mang Thít, Đăng kết nối với chị Thanh Hà ở CLB “Sách và Hành động” tại Cần Thơ, nhờ hướng dẫn những bước đầu. CLB Sách và Hành động THPT Lưu Văn Liệt ra đời ngay sau đó do Đăng và nhóm bạn Ngô Huỳnh Ái Vy, Nguyễn Thụy Hồng Thắm, Trần Quốc Bình làm ban chủ nhiệm. “Từ khi CLB thành lập, nhiều bạn được tiếp cận với sách hơn. Nhiều buổi giao lưu được tổ chức đã lan tỏa tình yêu sách đến nhiều bạn học sinh các khối lớp. Sự gieo mầm ấy ít nhiều đã có kết quả”, Đăng kể.
Đạp xe chở tri thức đến vùng cao
Ba năm trước, Đăng thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Rời Vĩnh Long đến thủ đô, hành trang Đăng mang theo có niềm mơ ước gầy dựng môi trường văn hóa đọc lành mạnh. “Năm học thứ 2, em biết Vườn yêu thương – CLB Yêu sách Thái Hà. Tháng 12-2020, em tham gia CLB. Giữa năm 2022, em đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm CLB. Đây cũng là cơ hội để em và các bạn tạo ra những sân chơi hữu ích cho mình và mọi người”, Đăng bộc bạch.
Cơ duyên mang sách lên vùng cao đến với Đăng và các bạn trong một lần tình cờ có nguyện vọng đến Sa Pa chơi. Đăng nhớ đến lời một người anh: “Mỗi khi em làm gì đều cần có ý nghĩa không chỉ cho mình và cho mọi người sẽ hay hơn, hành trình của em sẽ để lại dấu ấn và có ý nghĩa hơn”. Đến Sa Pa, trông thấy những câu chuyện cần được quan tâm, không có hiệu sách, nhiều điểm trường hầu như đều vắng bóng nguồn sách. Vậy là hành trình “Sách đến tay em” ra đời. “Chúng em chỉ định tổ chức một lần duy nhất tại Sa Pa nhưng sau chuyến đi lần ấy có quá nhiều xúc cảm đọng lại trong em và mọi người. Vậy là anh em bắt tay nhau xây dựng nên hành trình “Sách đến tay em” một cách nghiêm túc”, Đăng kể.
Những em nhỏ vùng cao hứng khởi khi nhận được nhiều sách hay từ chương trình “Sách đến tay em”
Những ngày không có giờ lên giảng đường, Đăng miệt mài đạp xe đi khắp Hà Nội để quyên góp sách. Những vòng xe quay đều qua ngõ phố sau mỗi ngày trở về đều chở nặng những tập sách. Cứ thế, 9 tủ sách lần lượt được mang đến với các học trò vùng cao ở Sa Pa, Bắc Giang, Ba Vì… Mỗi chuyến đi với Đăng và cộng sự là một kỷ niệm đáng nhớ. “Hôm lên điểm trường Tiểu học Sa Pả, em rất xúc động khi thấy các bạn nhỏ háo hức lật giở từng trang sách, say sưa đọc. Khi được hỏi, các em đều rất vui, nói rằng ở đây thỉnh thoảng được các đoàn thiện nguyện tặng quà nhưng chưa bao giờ được tặng sách. Có sách đọc thật là hay và các bạn cũng hứa sẽ lên thư viện thường xuyên để đọc sách”.
Thái Hải Đăng nói: “Em tin, sách sẽ là động lực giúp các em nhỏ vùng cao nuôi dưỡng ước mơ, biết được nhiều hơn thế giới bên kia những dãy núi đá thông qua sách. Từ đó, các em sẽ nỗ lực học tập và làm giàu đẹp hơn nữa bản làng nơi mình sinh ra”. |
Đăng nói, mỗi giai đoạn của dự án đều có những khó khăn. Có lúc phải đi xin từng quyển sách một rồi về tự tay phân loại theo nhóm sách cho phù hợp với từng lứa tuổi mới mang đi tặng. Sau tất cả điều còn đọng lại là niềm vui, nụ cười của các em nhỏ vùng cao. “Động lực thôi thúc chúng em thực hiện hành trình này chính bởi vì bản thân mình nhận được quá nhiều trải nghiệm, mối quan hệ, bài học từ sách. Nhờ sách em được gặp gỡ nhiều thầy cô giáo có chung niềm đam mê và truyền cảm hứng thêm cho em. Nhờ sách, em cảm nhận cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn. Đó cũng là lý do em muốn đưa sách đến với các bạn nhỏ, phần nào đó tiếp thêm cho các bạn những “cái chạm mới” trong tâm hồn mình thông qua sách”, Đăng chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình đầu năm mới, Đăng bật mí sẽ tiếp tục hành trình kêu gọi, quyên góp sách để đưa đến những bản làng xa. Lặng thầm trên chiếc xe đạp xin sách, hơn một năm qua, không thể kể hết vất vả trong từng chuyến đi nhưng Thái Hải Đăng luôn nhớ những nụ cười của người cho và người nhận sách. Hành trình của Đăng là một trong những câu chuyện sinh động nhất về xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Vùng cao vẫn luôn còn đó muôn vàn khó khăn, thiếu thốn – những trở lực cản bước của bao thế hệ trẻ em đồng bào. Nhưng Đăng cho nhiều người thấy niềm tin sẽ góp phần đổi thay cuộc sống khó khăn ấy bằng những vòng quay xe đạp lặng lẽ của mình.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)