Lớp học ở “đỉnh trời” Hướng Phùng |
Chúng tôi vượt đại ngàn để đến với hai xã Hướng Phùng và Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Người dân quê tôi gọi Hướng Lộc là “thung lũng” bởi nó nằm lọt thỏm giữa bao quanh bốn bề núi dựng. Còn Hướng Phùng được mệnh danh là “đỉnh trời” vì nằm trên địa hình cao nhất huyện. Khó khăn cách trở là vậy nhưng thầy và trò nơi đây vẫn đang ngày ngày “cắt” rừng đến lớp.
Đường tìm “cái chữ Bác Hồ”
Những ngày cuối năm, khi sương vẫn còn cuộn quấn đại ngàn, những bước chân nhỏ nhắn của các em học sinh đã tản ra từ những nóc nhà sàn khuất lấp sau góc núi. Trên lộ mòn đất đỏ gập ghềnh, đẫm sương qua bản Pa Xía đến Trường THCS Hướng Lộc, từng tốp trò nhỏ tung tăng trò chuyện bằng tiếng Bru – Vân Kiều trộn với những câu tiếng Kinh lơ lớ nghe vui tai đến lạ. Em Hồ Thị Hêlơ (học lớp 5) chia sẻ: “Nhà em cách đây hai ngọn núi cao, mẹ thức em dậy đi học khi trời chưa sáng. Đi nhiều nên quen, không mệt nữa. Chỉ sợ trời mưa đường trơn thôi”. Dẫn chúng tôi thăm khu bán trú dân nuôi tại bản Pa Xía, nơi tá túc của 21 học sinh các bản xa xôi nhất của xã Hướng Lộc, thầy Dũng, giáo viên Trường THCS Hướng Lộc tâm sự: “Nhiều bản làng cách trường gần cả chục cây số. Trước đây, các em đi học bữa được bữa mất. Nhưng từ năm ngoái, chúng tôi đã dựng được khu lán trại bán trú cạnh trường cho các em ở lại để lên lớp đều đặn. Nửa tháng mới về nhà một lần”.
Tại góc bếp nấu ăn chung của khu bán trú, Hồ A Xuôm cùng Hồ Thị Khoan đang lúi húi thổi lửa, chuẩn bị nồi cơm sáng đơn giản với rau rừng luộc để kịp lên lớp. Mâm cơm của các em là mấy ngọn lá chuối rừng lót trên hai tấm ván gỗ, 5-6 em chung một mâm. Thức ăn chủ yếu là rau, thỉnh thoảng được cải thiện bằng mấy con cá khô hay vài miếng thịt mỡ được bà con bản Pa Xía thương đem biếu. Tranh thủ ngày nghỉ, các em thường ra suối bắt ốc, bắt cá cải thiện bữa ăn. “Ba mẹ cho đi học chữ là sướng rồi. Đi làm rẫy khổ hơn nhiều”, Hồ Thị Khoan (17 tuổi), học sinh lớp 8B vui vẻ nói.
Ngược lên phía Tây Bắc huyện Hướng Hóa, dọc các xã như Hướng Phùng, Hướng Việt, A Túc… chúng tôi bắt gặp những căn chòi tạm do học sinh tự dựng để học chữ. 3 anh em ruột Hồ Văn Đinh, Hồ Văn Rồng (cùng học lớp 12) và Hồ Thị Hà (lớp 11), nhà ở tận bản Xa Đưng, xã Hướng Việt, cách điểm trường THPT Hướng Phùng đến 25km đường rừng nên không thể từ nhà đến trường hàng ngày được. Rồng cho biết: “Hai anh em tôi phải dựng chòi bên bìa rừng cho em gái ở cùng. Nếu thuê nhà trọ thì mất gần 300 ngàn đồng mà tiền gia đình cho 3 anh em chỉ 400 ngàn mỗi tháng”.
Thương học trò vùng cao nghèo khổ, chị Lê Thị Tươi (thôn Xêri, xã Hướng Phùng) dành cái góc dưới nhà kho bỏ trống cho 4 học sinh cấp III trọ học. “Đa số các em gia đình đều nghèo, xin ở nhờ chỗ trống nhà dân hay dựng tạm những lán trại để đi học. Ăn uống qua loa. Cơm bữa với rau rừng, ít khi có cá thịt ăn”, chị bộc bạch.
Thương trò nhỏ đại ngàn
Thầy Hồ Văn Mời (33 tuổi), người gắn bó với ngôi trường THCS Hướng Lộc hơn 5 năm nay khẳng định: “Nếu không có những khu bán trú, chắc chắn học sinh sẽ bỏ học nhiều lắm. Nhà bán trú đã góp phần kéo được rất nhiều em bỏ học lên nương trở lại với trường”.
Bản thân là một trong số ít người dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị được làm giáo viên để dạy cho con em mình, thầy Mời rất giỏi trong việc gần gũi và nắm bắt tình cảm của học sinh. “Mình còn phụ trách việc trông coi các em ở bán trú về việc ăn ở, học hành. Khát khao đến với “cái chữ Bác Hồ” của các trò nơi vùng cao rất mãnh liệt. Nhiều em tâm sự là muốn học thật giỏi để sau được làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… để xây dựng bản làng”, thầy Mời cho biết.
13 năm bám trụ “gieo chữ” giữa đại ngàn, thầy Trần Đức Dũng (34 tuổi) là người có thâm niên cắm bản nhất của trường. Sinh ra tại “miền đất học” Nại Cửu, Triệu Phong (Quảng Trị), năm 1997, khi cầm được tấm bằng giỏi của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cấp cũng là lúc thầy tình nguyện lên miền núi làm nghề “gõ đầu trẻ”. Thầy được phân về dạy tại bản Của, xã Hướng Lộc. Thầy Dũng nhớ lại: “Thời điểm mình lên, đường hầu như chưa có. Từ chỗ ở vào điểm dạy ở bản, vừa đi phải vừa cầm rựa phát cây. Nằm trong căn nhà lá trống hoác, tuềnh toàng, trùm chăn kín người mà vắt rừng vẫn mò vào bám đầy thân”. Khi ở xuôi, thầy không thể nào hình dung nổi, miền đất này lại khắc nghiệt đến thế.
Nhiều giáo viên tại Hướng Lộc thời ấy vẫn truyền nhau câu: “Mở mắt là thấy đồi, mở nồi thấy cá khô”. Câu nói đã lột tả sự gian truân trong công tác của những giáo viên cắm bản. Nhưng rồi, chính tấm lòng đầy nhiệt thành với học trò đã không làm chùn bước họ. Những ngày đứng lớp, thầy Dũng mới cảm nhận sự thua thiệt và tâm hồn khát khao con chữ của học trò vùng cao.
Thầy Nguyễn Tư Mạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Lộc chia sẻ: “Thầy cô trong trường thương nhau như anh em ruột. Chúng tôi luôn động viên, khích lệ nhau cố gắng trước mọi khó khăn, vững tâm để công tác thật tốt vì các em”.
Nếu lấy trung tâm xã Hướng Lộc làm chuẩn thì điểm trường thôn Ra Ty nằm xa nhất. Muốn vào đến nơi chúng tôi phải lội bộ hơn 5km đường rừng. Hiện tại vẫn có đến 6 thầy cô giáo từ khu nội trú ở trường ngày ngày băng rừng vào đây “gieo chữ”. “Gia cảnh của các em khó khăn lắm. Vì thường xuyên thiếu đồ dùng học tập nên các em hay bỏ về giữa buổi học. Vì trò, chúng tôi không ngại bỏ tiền túi mua sách, vở, bút cặp hỗ trợ để các em trở lại trường”, thầy Nguyễn Đức Hải, giáo viên phụ trách bộ môn hóa cho hay. Thầy Hải lập gia đình đã hai năm nay. Bé trai đầu mới hơn 10 tháng tuổi và ở cùng mẹ ở huyện Cam Lộ, còn cha lên cắm bản. Cứ mỗi chiều thứ bảy là thầy vượt 100km đường rừng bằng xe máy, về thăm vợ con. Đến sáng thứ hai lại lên trường khi gà còn chưa gáy sáng.Mấy hôm trước, nghe vợ điện lên báo trời mưa nắng thất thường nên con bị cảm lạnh và sốt, lòng thầy nóng như lửa, mấy đêm không ngủ được…
Chia tay đại ngàn về xuôi, bên tai chúng tôi văng vẳng tiếng ê a đọc bài của các học sinh trong lớp thầy Dũng, thầy Mời… Nhờ những con người thầm lặng tình nguyện lên đại ngàn cắm bản, những tấm lòng tràn trề nhiệt huyết với trẻ mà “công cuộc” diệt trừ con “ma dốt, ma ngu”, gieo “cái chữ Bác Hồ” giữa đại ngàn Trường Sơn nghèo khó đang đạt nhiều kết quả tích cực. Ngày càng có nhiều hơn những con em dân tộc thiểu số bước đến cổng trường đại học, đến gần hơn với tri thức.
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia
Bình luận (0)