Những tưởng vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cách nay 17 năm đã bị rơi vào quên lãng sau ba lần bị Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ và Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện. Nhưng không, với quyết tâm, người Việt Nam vẫn đang tiếp tục đấu tranh, đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bắt buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm mà mình gây ra.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (cầm micro) chia sẻ về vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Đường sách TP.HCM
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, một trong 4 nguyên đơn trong vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ năm 2004) cùng với những người đồng hành đã có buổi chia sẻ về vụ kiện này tại Đường sách TP.HCM.
Quyết tâm đi tìm công lý
Theo đuổi vụ kiện từ những ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, cuối năm 2003 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập thì đầu năm 2004 bà đã đại diện cho hội bắt đầu vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Năm 2005, bước đầu thẩm phán Mỹ tuyên bố không xét xử vụ kiện này. Ngày 28-2-2008, Tòa phúc thẩm Mỹ bác đơn. Ngày 6-10-2008, hội tiếp tục nộp đơn lên tòa tối cao nhưng ngày 2-3-2009 tòa tối cao bác đơn.
Bà Trần Tố Nga (giữa) – người đang theo đuổi vụ kiện này
Hành trình đằng đẵng đi đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam những tưởng đã chìm vào quên lãng vì ba lần Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ và Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện. Nhưng không, tháng 5-2014, các công ty hóa chất Mỹ một lần nữa nhận được đơn thông qua một tòa án Pháp. Nguyên đơn lần này là một người Việt, mang quốc tịch Pháp, bà Trần Tố Nga. Bà Tố Nga là nguyên đơn duy nhất hiện nay hội đủ các điều kiện là công dân Pháp, có đủ bằng chứng y khoa là nạn nhân của chất dioxin để từ cơ sở đó cùng bạn bè trong và ngoài nước chuẩn bị hồ sơ vụ kiện suốt hơn 10 năm qua. Và ngày 25-1-2021 tòa Ivry tỉnh Esson (phía Nam Paris) mở phiên xét xử vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe và để lại di chứng qua nhiều thế hệ của hàng triệu nạn nhân Việt Nam. Kết quả, tòa án Pháp lại bác đơn kiện vì cho rằng không đủ thẩm quyền. “Mình sẽ kiện hoài, đời mình không được thì tới đời con, đời cháu, đời chắt, kiện cho tới khi nào Mỹ chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì thôi” – bà Phượng khẳng định.
Tiếp sức cho bà Tố Nga
Nhằm tiếp thêm sức mạnh cho bà Trần Tố Nga trong hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Đường sách TP.HCM cùng NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ đang thực hiện dự án “Vụ kiện da cam – Hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam”. Dự án sẽ kéo dài trong năm 2021, gồm các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi sự đồng hành của mọi người đối với vụ kiện da cam kéo dài nhiều năm qua mà bà Trần Tố Nga vẫn kiên trì theo đuổi.
Theo ông Dương Thành Truyền (Giám đốc NXB Trẻ), dự án “Vụ kiện da cam – Hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam” là sáng kiến và tâm huyết của một số trí thức, nhà giáo, nhà báo, trong đó NXB Trẻ là đơn vị vinh dự được tham gia. Dự án này thể hiện, bày tỏ, tìm kiếm sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Dự án mong muốn tạo sức mạnh của công luận, truyền thông trên hành trình pháp lý, đòi quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam, không chỉ là đồng bào chúng ta mà còn là nạn nhân của nhiều nước trên thế giới. “Trong năm 2021, dự án sẽ có các hoạt động: triển lãm, tọa đàm, đặc biệt là thực hiện ấn phẩm nêu lên một cách khoa học những vấn đề về pháp lý cũng như câu chuyện về hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam gắn với vụ kiện của bà Trần Tố Nga nhân ngày chất độc da cam sắp tới. Ngoài ra dự án cũng nỗ lực tổ chức vận động để được sự ủng hộ, đồng hành từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chúng ta cùng góp sức, góp lòng, tiếp sức cho một nguyên đơn – triệu nạn nhân” – ông Truyền nhấn mạnh.
Tranh minh họa về chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải lên nước ta
TS. Vũ Thị Huyền (giảng viên Bộ môn sinh học, Trường ĐH Văn Lang) cho biết: “Chất độc dioxin không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người bị ngay thời điểm đó mà còn kéo theo cả một thế hệ. Chất này chứa hàng trăm hợp chất hóa học độc hại khác nhau, tích tụ lâu dài trong cơ thể người và động vật, khiến cơ thể bị rối loạn, gây ra nhiều thứ bệnh, trong đó có việc các bà mẹ sinh ra những em bé dị tật, khuyết tật”.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà lục quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam đã khiến hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hàng chục triệu hécta ruộng vườn, rừng núi bị nhiễm chất độc khai hoang diệt cỏ… đã để lại hậu quả và di chứng cho dân tộc Việt Nam là 7,5 triệu người bị khuyết tật và dị dạng, dị tật nặng, cả hai đối tượng này cộng lại là 12,3 triệu người. Đây là một gánh nặng lớn của đất nước, vì vậy Việt Nam luôn đấu tranh để Mỹ chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra, góp phần xoa dịu nỗi đau cho những người bất hạnh.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)