Biết là khó khăn và còn nhiều trở ngại nhưng anh Lê Văn Dược – người cháu ruột của nhà giáo – liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát vẫn quyết tâm đi tìm các chứng nhân lịch sử và bổ sung đầy đủ hồ sơ để thực hiện được ước nguyện của cha mẹ và gia đình trong 10 năm gần đây.
Lê Thị Bạch Cát (bìa trái) trước ngày vào Nam |
Ước nguyện đó thật thiêng liêng là cao cả qua tập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho nhà giáo – liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.
Hành trình bổ túc hồ sơ của anh Dược
Mặc dù đang còn bận rộn nhiều việc nhà và đường sá xa xôi cách trở nhưng anh Lê Văn Dược – ngụ khối 6, P.Nghi Thủy, TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vẫn quyết tâm một lần nữa vào tận TP.HCM để bổ túc hồ sơ cho người cô ruột của mình là liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát đã anh dũng hy sinh trên đường phố Sài Gòn góp phần làm nên chiến thắng oai hùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Để tạo cho mình vỏ bọc hợp pháp, chiến sĩ biệt động nội thành Lê Thị Bạch Cát với vai trò là Bí thư Quận đoàn quận 1 mang bí danh Lê Liên Xuân lúc bấy giờ phải làm đủ nghề để che mắt quân thù và tự kiếm sống để thu thập thông tin cho cách mạng. Trong trận đánh quyết tử rạng sáng 5-5-1968 dù bị thương chị vẫn tìm cách ở lại để cứu nguy cho đồng đội và anh dũng hy sinh sau khi rút chốt trái lựu đạn cuối cùng để diệt kẻ thù với lời hô đanh thép: “Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Chúng ta đều biết, tại TP.HCM và Nghệ An hiện nay đã có con đường và ngôi trường mang tên Lê Thị Bạch Cát để tưởng nhớ người nữ anh hùng quả cảm hy sinh thân mình cho nền độc lập tự do của dân tộc.
Sau 3 ngày làm việc cùng với người nhà là anh Dương Ngọc Xô – nguyên Chủ tịch UBND P.Nghi Thủy, TX.Cửa Lò, anh Lê Văn Dược đã được Quận đoàn quận 1, Hội Cựu giáo chức TP.HCM tạo mọi điều kiện để hoàn tất các thủ tục cần thiết. Trò chuyện với chúng tôi tại Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nhà giáo lão thành Trịnh Hồng Sơn vẫn không thể nào quên hình ảnh người nữ đồng nghiệp của mình cùng dạy chung trường tại Trường ĐH Thể dục – Thể thao Từ Sơn. Mặc dù tuổi đã ngoài 80 nhưng trí nhớ của ông Sơn vẫn còn nguyên vẹn những mốc thời gian cùng với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát công tác và sau đó theo đoàn K33 vào Nam chi viện cho chiến trường.
Ước nguyện với người đã mất
Theo lời kể của anh Dược, trên con trường đi tìm các nhân chứng lịch sử trong 20 năm qua gia đình đã gặp được sự giúp đỡ tận tình của những người bạn cùng trong đoàn K33 như ông Trịnh Hồng Sơn, bà Phạm Kim Dung và đặc biệt là những người trong đội vũ trang tuyên truyền từng tham gia trận đánh với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát vào sáng 5-5-1968 như bà Lê Thị Hồng Quân, Võ Thị Thu (Chín Thu), Phan Văn Phê, Trần Thị Diễn (Tám Tôn) Nguyễn Hữu Phước, Hà Văn Tiết… Những đoạn băng ghi âm lời kể của các nhân chứng đã khẳng định thêm tinh thần và khí tiết lẫm liệt của nữ nhà giáo Lê Thị Bạch Cát cũng là một tư liệu quý trong quá trình bổ túc hồ sơ để gia đình làm thủ tục đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Anh Dược kể, năm 1998 tại Hội thảo kỷ niệm 30 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 nhiều ý kiến khẳng định Lê Thị Bạch Cát là tiểu đoàn trưởng, thế nhưng theo các nhân chứng có người lại nói Lê Thị Bạch Cát là một tiểu đội trưởng, người lại nói là tổ trưởng trận đánh (?). Ngay cái tên của chị trước đây một số tài liệu lại ghi là Lê Bạch Cát không đầy đủ với cái tên thật như trong giấy khai sinh của chị.
Thân nhân nhà giáo liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát gặp Hội Cựu giáo chức TP.HCM |
Theo hồ sơ của gia đình, với những đóng góp lớn lao về công sức và đặc biệt là hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, cô giáo Lê Thị Bạch Cát đã được Đảng và Nhà nước trao tặng bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều giấy khen huy hiệu khác. “Đây là thời gian gia đình chúng tôi đang bổ túc hồ sơ sau đó mới trình hồ sơ lên các cấp thẩm quyền để xét duyệt nên chắc chắn phải mất thêm một thời gian nữa” – anh Dược cho biết. Cũng theo anh Dược gia đình đã trình hồ sơ đề nghị vào năm 2013 nhưng chưa đủ thủ tục nên bây giờ phải bổ sung tiếp. Trong đơn số 12/ HCGC của Hội Cựu giáo chức TP.HCM gửi Bộ Tư lệnh TP.HCM, Hội đồng Thi đua khen thưởng TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM và Quận đoàn quận 1 TP.HCM ngày 7-5-2018, bà Nguyễn Thị Yến Thu – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM kính đề nghị quý cấp lãnh đạo xét phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho nhà giáo liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.
Quang Phan
Bình luận (0)