- 1 Hành trình khám phá những giác quan dành cho trẻ tự kỷ
Nhân Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa phối hợp với Mạng lưới cơ sở can thiệp trẻ em rối loạn phát triển Việt Nam và Viện Tâm lý Việt Pháp tổ chức chương trình “Hành trình khám phá những giác quan” dành cho trẻ em tự kỷ tại Cơ sở ATC – IEP (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Tham dự chương trình có 50 trẻ em tự kỷ cùng các bậc phụ huynh thuộc 5 trung tâm nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em rối loạn phát triển trên địa bàn TP.HCM. Tại đây, các em được tham gia. nhiều hoạt động thú vị, bổ ích như: Hoạt động trải nghiệm (trẻ tham gia các trò chơi phát triển kỹ năng xã hội, khả năng vận động tinh và giao tiếp); góc sáng tạo (trẻ phát huy trí tưởng tượng thông qua vẽ tranh, làm đồ thủ công và tạo hình); trải nghiệm ẩm thực (thưởng thức các món bánh dân gian); kết nối gia đình (phụ huynh và trẻ cùng tham gia các hoạt động chung, tạo sự gắn kết và trải nghiệm ý nghĩa). Theo ban tổ chức, chương trình nhằm tạo ra một môi trường thân thiện, an toàn và tràn đầy niềm vui, giúp trẻ em rối loạn phát triển có cơ hội trải nghiệm, học hỏi và phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một trong các hoạt động của dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty PNJ hợp tác thực hiện. Tại chương trình, dự án đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho 50 trẻ em tự kỷ từ nguồn kinh phí vận động của chương trình “Chong chóng sắc màu, lan tỏa yêu thương”.

Được biết, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty PNJ khởi xướng từ năm 2019, với mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Các hoạt động mà dự án đã triển khai như: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; biên soạn và phát hành các cuốn tài liệu tự kỷ bằng hình ảnh nhằm cung cấp kiến thức về tự kỷ cho phụ huynh và giáo viên; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam… Năm 2025, dự án tiếp tục triển khai các hoạt động như: Biên soạn cuốn tài liệu “Hành trang đến trường cho học sinh tự kỷ”; chuyển đổi các tài liệu đã in sách thành tài liệu điện tử… Đặc biệt, hỗ trợ kinh phí cho 573 trẻ em tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn ở các trung tâm, cộng đồng với mức kinh phí từ 2 đến 3 triệu đồng/em.
D.Trang
Bình luận (0)