Tình cảm cha con (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Khi nhận được thông tin từ TAND tối cao tại TP.HCM cho biết sẽ xét xử phúc thẩm một vụ án hôn nhân gia đình “Xác định cha cho con”, tôi hình dung vụ kiện này cũng như hàng trăm vụ kiện khác, ở đó bị đơn là một người đàn ông chối bỏ trách nhiệm làm cha. Và nguyên đơn là một phụ nữ trẻ đi tìm công lý cho con mình. Nhưng suy đoán của tôi không đúng.
Cuộc tình vụng trộm
Từ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh cho thấy, năm 1980, mặc dù đã lập gia đình nhưng ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1945, thường trú tại thị xã Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) vẫn qua lại lén lút với bà Dương Thị Được (SN 1945, trú cùng thị xã). Mối quan hệ ngoài luồng này kéo dài được hai năm. Khi bà Được sinh hạ hai người con là Bùi Thị Tuyết Nhi và Bùi Văn Hoài Hận (lấy họ người chồng đã mất của bà Được) thì giữa họ xảy ra mâu thuẫn. Ông Sinh về nhà ở luôn với vợ, bỏ mặc bà Được một mình vất vả nuôi con.
Hận “chồng”, bà Được không cho các con biết ông Sinh chính là cha ruột của họ. Mãi đến năm 2001, vì không có con nên ông Sinh cùng gia đình muốn nhận quan hệ huyết thống với hai người con của bà Được. Nguôi ngoai nỗi đau, bà Được đồng ý để các con qua lại giữa hai gia đình, vì thấy sức khỏe của ông Sinh ngày càng suy yếu. Thời gian trôi qua, mối quan hệ giữa họ càng thêm khắng khít khi chị Nhi, anh Hận chẳng những hết mực thương yêu, chăm sóc cho cha mà còn tỏ lòng hiếu thảo với những thành viên khác trong gia đình ông Sinh.
Năm 2007, sau một cơn bạo bệnh, ông Sinh qua đời. Ngày đưa tang “chồng”, bà Được dẫn con đến đội tang thì… gia đình ông Sinh bỗng dưng trở mặt, cho rằng ông chưa từng có người con nào.
Nhận cha cho con
Bất ngờ trước sự việc, bà Được nhờ đến TAND Tây Ninh xác nhận ông Sinh là cha của chị Nhi, anh Hận nhưng HĐXX bác đơn bởi không tìm được chứng cứ nào chứng minh giữa họ có mối quan hệ thâm tình, ruột thịt. Không bằng lòng với phán quyết của tòa, bà Được tiếp tục khởi kiện vụ án lên TAND tối cao tại TP.HCM.
Đến dự phiên tòa, nhiều người tỏ ý thắc mắc liệu có sự tranh chấp tài sản nào trong câu chuyện này không thì bà Được cho hay: “Tôi đã một mình nuôi con ngần ấy năm mà không cần bất cứ trợ giúp nào từ ông ấy, giờ lẽ nào chỉ vì chút tài sản kia mà phải vất vả như vậy?”. Bà nói thêm: “Vì hận ông Sinh mà từ nhỏ hai con tôi đã mang tiếng không cha. Giờ đến tuổi này, tôi chỉ muốn trả lại những gì lẽ ra chúng phải có”. Khi nghe tôi hỏi về những chứng cứ để xác minh ông Sinh chính là cha đẻ của chị Nhi, anh Hận, bà Được lặng im. Như để chứng minh, anh Hận đưa tôi xem một tấm ảnh, nói rằng đó là di ảnh của ông Sinh và nhờ tôi “thẩm định” sự giống khác giữa anh và người trong bức ảnh. “Ai nhìn vào cũng nói cha con tôi giống nhau như hai giọt nước. Chẳng lẽ điều này không đủ thuyết phục sao?”, anh Hận trầm giọng. Câu hỏi ngỏ của anh khiến tôi chạnh lòng. Trong số những người đến xem phiên tòa, vài người tự nhận mình là “nhân chứng” kể: “Hai gia đình họ chỉ cách nhau chừng 2km. Ai sống ở đó cũng biết ông Sinh là cha của họ”. Người khác lại hoài nghi: “Nhưng như vậy liệu có được không, người giống người nhiều lắm!”.
Tranh luận trước HĐXX, bà Được cho rằng sở dĩ khi ông Sinh còn sống, họ không tiến hành các thủ tục dân sự để nhận cha con là bởi điều đó không cần thiết, bởi sự thật ai cũng biết. Bà Được còn tha thiết xin được giám định ADN giữa hai người con của bà với một trong số các người em của ông Sinh nhưng việc làm này lại không có căn cứ để thực hiện. Phiên tòa kết thúc nhanh chóng khi bằng cớ hoàn toàn chỉ là suy đoán, không phải là chứng cứ pháp lý để HĐXX xem xét, giải quyết. Cho đến khi dắt chiếc xe ra khỏi cổng tòa, bà Được – như vẫn không tin vào sự thật – níu tay tôi hỏi: “Còn có phiên tòa nào xử cho con tôi có cha nữa không? Chứ sự thật đã rành rành như thế rồi mà…”.
Tuyết Dân
Trên phương diện xã hội họ có thể là cha con nhưng xét về pháp lý thì lại không có mối dây ràng buộc nào… |
Bình luận (0)