Y tế - Văn hóaThư giãn

Hành trình phiêu bạt 5.800 km của Thánh phượt Vừ Già Pó: Trốn chạy và đi mãi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
“Lúc đi ở Trung Quốc, đi mãi theo đường lớn, chả nhớ là bao nhiêu ngày nữa thì gặp một cái hàng rào chắn cuối đường. Cạnh đấy có một đường mòn nhỏ bên trái, mình theo con đường ấy mà đi mãi, đi mãi…”.
Một mình đi mãi…

Vừ Già Pó đoàn tụ với gia đình trong nước mắt hội ngộ – Ảnh: Na Sơn 
Vừ Già Pó nhớ lại: Sau khi Vừ Xì Già đến nhà 4 lần thuyết phục đi Trung Quốc làm ăn thì cả bố vợ cũng nói là nên đi vì người ta trả 70 đồng tiền Trung Quốc/tháng. Mình và nhiều người nữa quyết định đi. Lúc ấy là ngày 14 tết của người Kinh (tháng 2.2012 – PV). Cả tốp đi xe máy xuống thị trấn Mèo Vạc, dừng lại ăn phở rồi đi tiếp. Đi đến tối thì sang bên Trung Quốc. Ông Vừ Xì Già bàn giao cả tốp cho người cai bên kia. Người ta đưa cho ông ấy theo đầu người 10 triệu đồng/người để mang về cho gia đình.
Đi làm ở Trung Quốc ban đầu theo lời ông Già thì chỉ tưới chuối thôi nhưng lúc sang thì phải đi trồng cây, công việc nặng nhọc. Chủ người ta bảo chỉ trả 50 đồng tiền Trung Quốc (1 NDT tương đương 3.200 đồng) vì “chúng mày làm việc không tốt”. Có vài người trong nhóm còn bị đánh. Sau hơn một tháng thì có một tốp người cũng ở quê mình đi sang. Vừ Già  Pó và những người bạn xúm lại hỏi thăm tình hình vợ con ở nhà thì chủ nhìn thấy, tưởng trao đổi nói xấu gì về chủ và công việc nên họ đánh mọi người. Pó kể: “Họ không dùng vũ khí đâu nhưng mà tát và đấm đá. Mình bị đá vào ngực đau quá, sợ bị chấn thương bên trong”. Ngay đêm ấy, Vừ Già Pó và 5 người nữa rủ nhau trốn vì sợ hôm sau bị đánh nữa. Họ chia làm 2 tốp, mỗi tốp 3 người cùng chạy. Trong tốp của Pó còn có em vợ là Ly Mý Na (sinh năm 1984 – Na tiếng H’mông là con chuột – PV). Cho tới thời điểm hiện nay tốp 3 người kia đã về Việt Nam. Ly Mý Na và một người nữa vẫn biệt vô âm tín.
Mấy anh em chạy được 5 – 6 ngày thì Pó bị tụt lại sau, lạc mất 2 người kia. Từ đó Pó đi một mình. Anh nói: “Mình cứ đi mãi về hướng mặt trời lặn, chếch một chút phía trái vì đấy là hướng về Khâu Vai nhà mình.”
“Lúc đi ở Trung Quốc, đi mãi theo đường lớn, chả nhớ là bao nhiêu ngày nữa thì gặp một cái hàng rào chắn cuối đường. Cạnh đấy có một đường mòn nhỏ bên trái, mình theo con đường ấy mà đi mãi, đi mãi. Mình xuống xin ăn ở một xóm nhỏ đẹp lắm. Nhà người ta có cả nhà giống nhà người H’mông mình, có nhà xây gạch to mái bằng, có nhà lợp mái fibro xi măng như ở mình nhưng tấm fibro xi măng ấy to. Đi phải gần một tháng thì mình sang nước khác rồi. Người ở đấy thì phụ nữ mặc váy, hở bụng. Đàn ông cũng mặc váy, quấn một cục trước bụng để giữ váy ấy khỏi tụt. Ở trên thì mặc áo bình thường” (có lẽ lúc ấy Pó đã vào đất Myanmar – PV) – Vừ Già Pó kể tiếp.
Ở đất Phật giáo Myanmar
Cảnh vật ở Myanmar, theo Pó, là bằng phẳng, có nhiều sông suối. Đất rộng mênh mông mà người dân ở đây không canh tác nhiều. Khí hậu thì nóng nực. Pó kể: “Mặt trời nhô lên khỏi mặt đất là đã nóng rồi, đến lúc nó lặn xuống mặt đất cũng vẫn nóng lắm”. Điều ấn tượng nhất với Pó ở vùng đất này là có rất nhiều chùa to, màu vàng, mái nhọn, có chóp cao. “Người ta đến chùa chắp tay vái lạy rất nhiều. Ở chùa có rất nhiều ông sư mặc áo vàng nhưng lại hở vai. Những ông sư này, buổi sáng họ toàn xếp thành hàng dài đi xin ăn” – Pó kể với người viết. Và khi người viết cho Pó xem những hình ảnh về đất nước Myanmar với trang phục của người dân, những ngôi chùa tháp đặc trưng ở đây thì Pó mừng rỡ xác nhận ngay: “Đúng! Đúng là ở đấy có những cảnh này”.
 Có một chi tiết ấn tượng đối với Vừ Già Pó khi ở đất nước Myanmar: “Mình nhìn thấy có một tượng rất to, cao lắm màu vàng (có lẽ là tượng Phật – PV). Mình đi mất 3 ngày, 3 đêm thế mà ngoái lại nhìn, cái tượng vẫn to bằng cái ngón tay út thôi”.
Ở Myanmar, Pó còn gặp những người phụ nữ, trẻ em “bôi bùn trắng lên mặt, trông rất buồn cười”. Điều này rất phù hợp với phong tục bôi bột Thanaka lên mặt để làm đẹp và chống nóng của người dân Myanmar. Đàn ông thì ít dùng Thanaka nhưng đối với phụ nữ, trẻ em thì khá phổ biến.
“Đàn bà ở đấy chúng nó đeo nhiều vòng ở tay chân, đeo nhiều vòng ở cổ lắm, nên cổ nó dài quá, dài gấp đôi cổ người H’mông mình” – Vừ Già Pó hào hứng nhớ lại một ấn tượng khác.
Cứ nhắm theo hướng tây, Vừ Già Pó tiếp tục cả tháng băng qua vùng đất nóng nực, bằng phẳng và có nhiều cây dừa. Nóng quá, khát nước, anh ghé vào những chỗ họ bán dừa ven đường để xin. “Mỗi lần xin họ lại cho một quả để uống”, Pó nhớ lại.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)