Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Hành trình qua miền Tây Bắc” – Chuyến về nguồn ý nghĩa

Tạp Chí Giáo Dục

“Hành trình qua miền Tây Bắc” là chủ đề chuyến về nguồn của gần 100 cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TP.HCM từ ngày 12 đến 16-12-2023 do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức đã để lại nhiều cảm xúc sâu đậm trong lòng của tất cả các thành viên trong đoàn…


Đoàn chụp ảnh dưới Đài chiến thắng Điện Biên Phủ

1.Chuyến về nguồn được tổ chức nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc cho đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, báo chí và xuất bản của thành phố.

Trong 5 ngày, với những sắc áo được thiết kế màu riêng cho từng ngày cùng khăn rằn, mũ tai bèo, đoàn đã đi qua các tỉnh miền Tây Bắc như Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Đoàn đã viếng thăm rất nhiều địa danh nổi tiếng của các vùng Tây Bắc như: Đèo Thung Khe, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồi A1, đồi D1, Đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, Bức tranh kỷ lục Việt Nam Panorama tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhà tù Sơn La, Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật Trung đoàn 52 đoàn quân Tây Tiến, Khu lưu niệm Trung đoàn 52 đoàn quân Tây Tiến, chợ tình Sa Pa, Cổng trời Ô Quy Hồ cao 2.035m, Cột mốc biên giới Việt – Trung, Nhà thờ Thánh Mẫu, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, viếng Đền Hùng…


Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM thắp hương tại Khu lưu niệm Trung đoàn 52 đoàn quân Tây Tiến

Trong đó, có rất nhiều cảm xúc khi tất cả các thành viên được chiêm ngưỡng “Bức tranh kỷ lục Việt Nam Panorama” tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ do 200 họa sĩ vẽ trong 2 năm với tổng diện tích 3.225m2 tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, tọa lạc trên đường Võ Nguyên Giáp – một trong những con đường trọng yếu nhất thuộc trung tâm TP.Điện Biên.

Theo ông Đặng Hải Triều – Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên thì đây không chỉ là một công trình có giá trị lưu giữ lịch sử, văn hóa về giáo dục truyền thống mà nó còn là một kiệt tác hội họa, tạo điểm nhấn cho khách du lịch trong và ngoài nước đến với Điện Biên. Điều ấn tượng khiến nhiều người chú ý đến là bức tranh tường ghi lại toàn bộ quá trình 54 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bức tranh đã chạm đến trái tim người xem bằng những hình ảnh chân thực, sống động. Tất cả những du khách đến tham quan như được sống lại những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc, cùng hòa chung niềm vui chiến thắng và nỗi đau thương mất mát. Qua đó, thế hệ trẻ hôm nay càng thêm trân quý những giá trị lịch sử, cùng những hy sinh mất mát lớn lao của các bậc cha anh…”.

Thời gian này, cả tỉnh Điện Biên đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/ 7-5- 2024). Đây là cơ hội giới thiệu, quảng bá các nét đẹp về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của con người, đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

Liên quan đến công tác tuyên truyền cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM chia sẻ, đây là hoạt động kỷ niệm lớn, không chỉ của tỉnh Điện Biên, mà còn là của cả nước. Vì vậy, Hội Nhà báo TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước sẽ có trách nhiệm, đồng hành cùng tỉnh chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này.

“Tỉnh Điện Biên phấn đấu năm 2024 đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỷ đồng; góp phần phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên trong những năm tiếp theo” – bà Lò Thị Minh Phượng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên cho biết!


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền Hùng

2. Khi dừng chân lại với vùng đồi núi Sơn La, đoàn không thể nào bỏ qua Khu lưu niệm Trung đoàn 52 đoàn quân Tây Tiến (Trung đoàn 52) – đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” giúp thế hệ trẻ hôm nay học tập, hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Được biết, nơi đây bình quân đón trên 30.000 lượt khách mỗi năm.

Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập ngày 27- 2-1947. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Trung đoàn đã loại 11.439 tên địch và phá hủy 6.158 súng các loại, 76 xe cơ giới, 8 ca nô tàu chiến, 3 máy bay và hàng trăm tấn đạn dược, quân dụng.

Khu vực nhà truyền thống của Trung đoàn Tây Tiến được thiết kế theo kiểu nhà sàn dân tộc Tây Bắc. Trong số nhiều hiện vật quý có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến được trang trọng gìn giữ tại đây. Đài tưởng niệm nằm ở vị trí cao nhất được thiết kế hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn Tây Tiến.

Trong ngày cuối của hành trình, tại tỉnh Phú Thọ, đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các vua Hùng thuộc Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng – nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Trước anh linh quốc tổ, các thành viên trong đoàn đã kính dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, tự hào với truyền thống dân tộc, mãi khắc ghi công ơn của các bậc tiền nhân, quyết tâm ra sức học tập, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

3.Kết thúc hành trình, không thể phủ nhận là rất cực và rất mệt bởi di chuyển một chặng đường dài đèo dốc cheo leo. Nhưng, đọng lại trong tất cả các thành viên là lòng tự hào dân tộc, bổ sung thêm nhiều kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa với những trải nghiệm thực tế nhiều ý nghĩa…

“Về với Tây Bắc chính là về với cội nguồn yêu thương, để chúng ta dâng thêm niềm tự hào dân tộc. Chúng ta càng phải biết sống và cống hiến sao cho xứng đáng với đất nước hàng ngàn năm văn hiến và anh hùng” – ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM bộc bạch cảm xúc!

Song Minh

 

 

 

Bình luận (0)