Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hành trình tấm bảng

Tạp Chí Giáo Dục

Tấm bảng là phương tiện gắn liền lớp học. Những năm kinh tế còn khó khăn, lớp nào có được tấm bảng sơn đen bằng phẳng làm bằng gỗ tốt, thầy trò vui mừng vì cô dễ viết, trò dễ đọc.

Lớp nào có tấm bảng tróc nước sơn, gỗ sần sùi thì thầy trò phải chịu đựng thời gian dài bởi không có kinh phí thay liền được. Nhưng vẫn còn tốt hơn các lớp học tấm bảng là bức tường tô ximăng, sơn đen. Nếu sơn bóng láng thì phấn viết không dính, mà để nhám thì viết xong xóa không hết phấn, phải dùng vải thấm nước mới có thể lau sạch…
Tiết học làm quen với bảng tương tác của các cháu lớp lá ở một trường mầm non tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Hiện đại hóa bảng đen
Đến cuối thế kỷ 20, Công ty Sách – thiết bị trường học sản xuất bảng làm bằng nhôm, sơn tĩnh điện và theo đề nghị của Sở GD-ĐT phải có kẻ ô li giúp giáo viên tiểu học viết đẹp và thẳng hàng. Đặc biệt, tấm bảng có thêm chức năng chống lóa, học sinh ngồi hướng nào cũng nhìn thấy rõ ràng. Những trường mới xây được trang bị tấm bảng mới, thầy trò phấn khởi, phụ huynh vui mừng vì không còn phải xin đổi chỗ ngồi cho con do bị chói ánh sáng mặt trời không đọc được chữ trên bảng. Một số trường vận động phụ huynh và xã hội để thay tấm bảng đen cũ. Đến năm 2000 thay sách giáo khoa, một công ty Hàn Quốc tặng bảng nhôm chống lóa cho tất cả trường tiểu học trên toàn quốc. Hiện nay, chiếc bảng này được cải tiến rất nhiều. Tại Hàn Quốc, tấm bảng có ba lớp lùa, tấm bảng thông minh (tương tác) nằm trong các lớp bảng lùa, khi cần thì sử dụng.
Tại các trường tiểu học ở Anh, Đức, Tây Ban Nha, Úc, Singapore, chiếc bảng thông minh mà ta gọi là tương tác được treo bên cạnh tấm bảng lớp, hay ở trong một góc của lớp học như một phương tiện dạy học. Khi cần, giáo viên sẽ đem ra sử dụng với nội dung được cài đặt và dĩ nhiên phải phù hợp chương trình giảng dạy nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất mà phương tiện truyền thống không thể hiện được. Thăm một trường tiểu học Singapore, hiệu trưởng cho biết các phần mềm sử dụng phải được Bộ Giáo dục cấp phép, nhà trường lựa chọn công ty đã có phép để hợp tác trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, duy tu thiết bị…
Để có sự đồng thuận về bảng tương tác
Khi những tấm bảng thông minh đi vào các trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM), Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), học sinh được học bằng phương tiện mới, tương tác trên mặt bảng điện tử và đem lại hiệu ứng tức thời về kết quả đúng – sai cũng như số liệu, hình ảnh phong phú, màu sắc đẹp giúp bài học dễ hiểu, dễ thực hành. Học sinh say mê, cha mẹ dự giờ học với con cũng tỏ ra thích thú và lan đến các bậc cha mẹ lớp khác, cùng rủ nhau đóng góp để lớp của con mình cũng được có tấm bảng thông minh. Từ đó, chúng ta cũng nhận thấy được sự hợp tác và đồng thuận của cha mẹ học sinh khi mang đến một phương tiện dạy học tốt cho con em mình, dù sự khởi đầu còn mang tính tự phát và nặng về yếu tố kỹ thuật.
Đến thời điểm này vẫn chưa có công trình nghiên cứu, khảo sát về hiệu quả giáo dục đem lại cho học sinh đến đâu khi dạy tiếng Anh và môn học khác bằng bảng tương tác. Đây cũng là nỗi lo của các hiệu trưởng khi nhận bảng tương tác: dạy nội dung gì, bài nào, dạy thế nào, kết quả mong đợi ra sao?… Ngành giáo dục TP cần hướng dẫn, triển khai với mục tiêu, yêu cầu cụ thể để các trường thông báo, giải thích và trả lời thỏa đáng các thắc mắc của cha mẹ học sinh, từ đó dẫn tới sự đồng thuận và sẵn sàng đóng góp với ngân sách nhà nước trang bị bảng tương tác.
Nếu quy trình cung cấp bảng tương tác được chuẩn bị chu đáo về nội dung phần mềm và đặt trọng tâm vào chuyên môn với mục tiêu và yêu cầu đầy đủ, rõ ràng, tổ chức thao giảng minh họa, giới thiệu cho giáo viên và phụ huynh thì chắc rằng số lượng trường tiểu học đăng ký sử dụng sẽ vượt qua con số được cung cấp và dần dần sẽ trở thành phương tiện dạy học bình thường trong thời đại khoa học kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng từng ngày, từng giờ.
LÊ NGỌC ĐIỆP (TTO)
Đâu chỉ màn hình tương tác
Ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà trường là rất cần thiết nhưng nếu lạm dụng sẽ gây lãng phí công sức, tiền của và thêm rối rắm cho giáo viên như loạt bài của báo Tuổi Trẻ vừa qua. Thế nhưng đâu chỉ là màn hình tương tác hay là những bài giảng điện tử, đó còn là những phần mềm mà nhà trường buộc phải mua sử dụng theo sự chỉ đạo của trên, với giá cả không rẻ chút nào kéo theo sự rườm rà, phiền phức và nhất là hết sức lãng phí.
Hiện nay rất nhiều trường trong cả nước sử dụng phần mềm quản lý điểm học sinh theo yêu cầu của ngành giáo dục địa phương. Bên cạnh một số mặt tích cực như giáo viên đỡ phải viết danh sách học sinh, cộng điểm, xếp loại hai mặt giáo dục thì phát sinh bao phiền toái. Khi áp dụng phần mềm này lại “đẻ” thêm một giáo viên kiêm nhiệm quản lý với công việc “trăm dâu đổ đầu tằm” lúc đầu năm học, thi học kỳ và cuối năm, bởi đâu phải giáo viên nào cũng rành vi tính, nhất là giáo viên lớn tuổi.
Do quản lý điểm trên máy vi tính nên giáo viên chủ nhiệm không thể nào báo cáo cho phụ huynh tình hình học tập của từng học sinh. Từ đó ngành bưu điện nhảy vào kết hợp nhà trường mở dịch vụ nhắn tin “biết điểm”. Hiển nhiên phụ huynh phải đóng phí. Kết thúc năm học, nhà trường phải in lại toàn bộ sổ điểm với đầy đủ điểm số để lưu, chi phí mực in và giấy rõ ràng là một sự lãng phí khá lớn. Đó là chưa kể nguy cơ virút xâm nhập làm hư dữ liệu trong quá trình chuyển điểm vào máy vi tính thông qua cổng USB.
Chưa hết, hầu như năm nào các công ty công nghệ thông tin cũng đi chào hàng với nhiều phần mềm ứng dụng như trộn đề, soạn giáo án, xếp thời khóa biểu… Hay thì cũng thật là hay nhưng hiếm phần mềm nào được sử dụng lâu dài. Những việc làm trên đây cốt chỉ để báo cáo thành tích chứ đi vào thực chất từng trường, vẫn còn giáo viên không tán đồng vì quá lãng phí, lại phát sinh nhiều phiền phức khác. Đặc biệt, chỉ sau vài năm áp dụng, nhiều vị hiệu trưởng phải “méo mặt” khi chi thêm những khoản như: giấy in, mực in, sửa chữa máy vi tính, máy in, tiền điện…
Thiết nghĩ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà trường là rất cần thiết, tuy nhiên đừng quá lạm dụng dễ gây lãng phí tiền của, thời gian, công sức của giáo viên. Sổ gọi tên và ghi điểm khổ lớn nên duy trì, vì đây là cơ sở mang tính pháp lý cao bởi việc cho điểm hay sửa chữa đều do chính tay giáo viên ghi vào và có chữ ký hẳn hoi, tránh được tiêu cực.
XUÂN QUANG

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)