Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hành trình theo những cánh cò

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Là điểm khai phá cuối cùng của thời kì mở cõi đất phương Nam, Gáo Giồng được xem là “lá phổi xanh” nằm sâu trong tận Đồng Tháp Mười. Qua bao mùa lũ nước ngập trắng đồng rồi lại cạn khô trơ gốc rạ, con đường dẫn vào Gáo Giồng vốn là bờ đê đắp ngăn lũ đã được tráng nhựa tinh tươm hơn, vừa đủ lọt cho xe qua lại. Những ruộng lúa xanh mướt một màu êm trôi dưới cánh cò lướt theo bóng nắng. Hàng cây tràm lặng phắt trong cơn gió sớm mảnh mai, chỉ khẽ đánh rơi vài chiếc lá xưa cũ lờ theo con nước. Gáo Giồng tĩnh lặng và khẽ khàng đến mức chính những người trẻ ưa sôi nổi như chúng tôi cũng phải rón rén bước chân.

Dừng chân nghỉ ngơi bên tách trà hương sen ngan ngát và những hạt sen rang bùi bùi béo ngậy của Đồng Tháp Mười, mọi người dường như quên bẵng quãng đường gập ghềnh vừa trải qua.

Ngắm nhìn những cánh cò cánh vạc, chim còng cọc… và nhiều lòai chim quý hiếm như trích cồ, cúm núm… rợp trời từ trên đài cao, không ai muốn lỡ dịp tiếp cận tràm chim còn giữ được nét hoang sơ và hết sức thiên nhiên này.

Khi đã yên vị trên mặt nước êm ru không gợn tiếng động, một trong số chúng tôi bỗng muốn học cách đưa xuồng ba lá nhẹ nhàng của cô gái trẻ. Nhịp nhàng khua mái chèo theo cô thôn nữ, những người thành phố mới vỡ lẽ ra mình thật yếu ớt khi chỉ ba đường chèo là cánh tay đã rã rời!

Xuồng len lỏi rất khẽ trong rừng tràm để du khách có thể mục kích cảnh diệc lửa, diệc mộc sải cánh dài hơn 1m. Thỉnh thoảng một con rắn quăng mình xuống nước hay một tổ ong vo ve ngay trên đầu khiến ai cũng nín thở! Điểm dừng của chiếc xuồng là một gờ đất cằn khô. Đi rất khẽ, bước rất nhẹ thế mà chỉ cần chân chúng tôi vừa chạm đất thì cách đó hơn 300 m, lũ chim ríu rít gọi nhau bay thẳng lên trời, tránh xa những con người đang khuấy động không gian bình yên của chúng!

Rời Gáo Giồng, chúng tôi theo chân những cánh cò chấp chới vào sâu trong đồng ruộng. Mùa nắng thế mà con đường rất hẹp và trơn trợt, thế nên vào mùa lũ, những căn nhà giữa đồng thành ốc đảo mênh mông sóng nước.

Thử cùng người dân trong đồng ra ao bắt cá lóc nướng trui cuốn lá sen non chấm nước mắm me, xuống mé bờ kênh bẻ trái bầu non luộc chấm chao ăn với bông súng, bông điên điển, mã đề hay … mon men cầm cào “dợt” vài đường lúa, tôi mới thấm thía nỗi vất vả của những người dân xứ này.

Độ 4 giờ chiều, những con muỗi, vắt đã lềnh trên bến sông và thoải mái bay vèo vèo trong những căn nhà chòi đơn sơ vách đất.

Rời đồng trên chuyến đò ra bến, chúng tôi kết thúc một ngày “thử sức” với đủ “món ăn chơi” của miền Tây sông nước. Thoáng thấy một cánh cò lẻ loi bay trên cánh đồng, mới chợt nhận ra: gốc rễ thâm sâu của người Việt vẫn đậm chất quê mùa. Bằng chứng chính là nỗi lòng lưu luyến của khách đường xa còn chưa khám phá hết vẻ đẹp của xứ sở cò, vạc, còng cọc… đang chung sống hòa bình với con người này!

Nguyệt Kim (baodulich.net.vn)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)