Các bạn ở nhóm trộn đất sét đang làm việc vui vẻ
|
Đều đặn mỗi tháng hay mỗi quý, những thanh niên, học sinh chưa ngoan trên địa bàn quận 8 (TP.HCM) được tham gia các hành trình trải nghiệm để cảm nhận hơi thở và giá trị của cuộc sống.
6 giờ 30, các thành viên tham gia trải nghiệm tháng 8 có mặt đầy đủ tại trụ sở Quận đoàn 8 chia nhóm, nghe phân công nhiệm vụ rồi khẩn trương lên đường. Hôm nay, các bạn sẽ được trải nghiệm tại địa bàn Q.6: Lò đất Phú Định – làng “ông lò” cổ truyền còn lại duy nhất ở TP.HCM.
Đất bùn thấm mồ hôi
Sau màn chào hỏi, làm quen với các thợ lò, các bạn nhanh chóng bắt tay vào công việc. Nhóm xếp lò, nhóm chuyển những chiếc lò đã khô vào lò nung… Vui nhất vẫn là nhóm trộn đất sét, nguyên liệu chính để tạo nên những chiếc lò. Nhìn những bàn tay lóng ngóng múc từng tảng đất sét, chuyền nhau cho vào máy trộn, đầu tóc, quần áo lấm lem mà ai nấy không khỏi bật cười. Thỉnh thoảng, những tràng cười lại rộn lên khi một bạn trong nhóm bị trượt ngã trên những mảng bùn trơn, hay tảng đất sét rơi tuột khỏi tay khiến nước bẩn bắn tung tóe. Vừa làm, vừa cười nói khiến các bạn gần như quên hẳn khoảng cách lạ lẫm mới gặp nhau lúc đầu. Ở một góc khác, các bạn nữ cũng bắt tay vào lau chùi sản phẩm. Bạn nào khéo léo sẽ được chọn để “hàn” lại các vết nứt nhẹ do quá trình nung cất. Ai cũng tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu tiên được sờ tận tay sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống. Miết nhẹ tay trên các vết “hàn”, Huỳnh Thị Tuyết Nhi (sinh năm 1999) vui vẻ nói: “Em chỉ thấy bếp lò này trên… bàn nhậu nên không nghĩ bếp lò lúc mới thành phẩm lại có màu đẹp, tròn trịa và láng bóng đến thế”. Riêng Bùi Khắc Minh Phương (sinh năm 1992) lại thích thú khi lần đầu tiên được xếp những chiếc lò hãy còn thơm mùi đất vào lò nung. “Em không nghĩ để nung được một chiếc lò lại mất nhiều thời gian và phức tạp đến thế. Một mẻ nung thường phải mất ít nhất 3 ngày, lại đun bằng trấu nên lúc nào cũng phải có người canh. Bây giờ thì em đã hiểu vì sao những người ở trong này lại… toàn mùi khói”, Phương cho biết.
Giờ nghỉ trưa, một số bạn tranh thủ “học lỏm” cách nặn lò từ các anh thợ lành nghề. Số khác ngồi nghe ông Trần Văn Triết, chủ lò gốm Phú Định, kể về những thăng trầm và nỗi trăn trở về nghề. Mấy mươi năm về trước, nghề nặn “ông lò” này có nguyên cả một xóm cùng làm. Xã hội đổi thay, kinh tế phát triển, nghề nặn lò bỗng trở nên thất thế, người ta bỏ nặn lò chuyển qua làm nghề khác. Dễ đến chục năm nay, ông Triết chưa đào tạo được người thợ mới nào. Thế nên, nếu quan tâm và có ý định học hỏi, ông chủ lò sẵn sàng truyền đạt hết kinh nghiệm hơn 30 năm tích lũy được trong nghề cho giới trẻ. “Làm nghề này rất cực, phải chiều theo cái sự nắng mưa của trời, phải biết nhìn hòn đất để trộn, nung như thế nào; nhưng nếu chịu khó thì đất chẳng phụ người. Hiện nay, nghề nặn lò ở Phú Định này còn sót lại duy nhất nhà tôi nên lượng hàng để cung cấp cho các tỉnh miền Đông hầu như không đủ”, ông Triết khẳng định.
Trải nghiệm để tìm lại chính mình
4 giờ chiều, các nhóm họp chia sẻ kinh nghiệm và nhận số tiền được trả công cho một ngày lao động. Và đó cũng chính là những đồng tiền đầu tiên mà các bạn được trả cho chính sức lao động của mình. Nhận số tiền công đầu tiên thấm đầy mồ hôi và bụi khói, nhiều em đã khóc…
Nhìn thái độ thân thiện, tinh thần làm việc hăng hái và nhất là vẻ mặt tần ngần khi cầm số tiền ít ỏi trong tay, mấy ai biết rằng trong số này mới cách đây ít lâu từng là nỗi ám ảnh của gia đình, hàng xóm. Có em mê game, bỏ mặc mẹ già vò võ từng đêm ngóng con về; em khác lại mê cá độ, hết lấy đồ trong nhà lại chuyển qua “mượn” đồ hàng xóm… Ấy vậy mà sau một ngày vắt kiệt mồ hôi trên những thớ đất còn nguyên mùi bùn, Lý Lương Nghĩa (sinh năm 1994) đã nói: “Em không nghĩ rằng làm ra tiền lại vất vả đến thế. Vậy mà ngày nào em cũng lấy của mẹ để chơi game. Từ nay em sẽ quý trọng tiền”. Còn Nguyễn Thị Tuyết Ngân (sinh năm 1998) cũng nói rằng: “Giờ thì em hiểu cảm giác của ba mẹ khi đi làm rất mệt nhưng vẫn luôn cố gắng để lo cho tương lai con cái mình. Em hứa sẽ thay đổi và học thật tốt để sau này giúp đỡ ba mẹ”. Nếu nghe được những dòng này, có lẽ không người cha, người mẹ nào lại không vui mừng khi con mình bỗng đổi thay và trưởng thành.
Chị Nguyễn Thị Kiều Nương, Phó ban Tuyên giáo Quận đoàn 8, cho biết việc vận động các đối tượng chưa ngoan tham gia chương trình không hề đơn giản. Hầu hết các em đều khó gần, lại không thích nghe giáo điều nên đòi hỏi cán bộ phụ trách phải kiên trì, nhanh nhạy và tinh tế. Có nhiều trường hợp, cán bộ Quận đoàn phải ra quán cà phê, vào từng tiệm game để tiếp cận. “Bảo các em chơi thì dễ, nhưng thuyết phục các em tham gia trải nghiệm và lao động như mọi người quả không dễ chút nào… Để chương trình có sức hút, chúng tôi phải liên tục đổi mới, tìm những công việc phù hợp với lứa tuổi các em. Quý 1 năm 2014, Quận đoàn tổ chức cho các em trải nghiệm làm muối tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ); quý 2 làm nghề đan lát ở xã Thái Mỹ, nghề bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi). Chính giá trị của sức lao động, cùng với sức mạnh của sự đoàn kết đã thức tỉnh và thay đổi các em, đưa các em trở về với giá trị thực của chính bản thân mình”, chị Nương chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Một chương trình nhiều ý nghĩa
Trải nghiệm giá trị cuộc sống tại làng “ông lò” Phú Định chỉ là một trong rất nhiều chương trình thuộc chuỗi “Hành trình trải nghiệm giá trị cuộc sống” do Quận đoàn 8 tổ chức. Bắt đầu từ năm 2013, chương trình này được tổ chức định kỳ từng tháng hoặc từng quý nhằm giáo dục các đối tượng học sinh, thanh niên chưa ngoan trên địa bàn quận. Mỗi hành trình, mỗi địa chỉ đi qua, các cá nhân chưa ngoan sẽ có những trải nghiệm riêng để tìm lại chính mình. Để rồi, sau mỗi trải nghiệm ấy, nhiều học sinh, thanh niên đã biết quay đầu, trở thành người có ích cho xã hội.
|
Bình luận (0)