Anh Mạnh Tuấn trên đường ra Lý Sơn (Quảng Ngãi)
|
Đó là hành trình đầy nghị lực và giàu ý nghĩa nhân văn của thầy giáo trẻ Võ Mạnh Tuấn, hiện công tác tại Trường TC Nghề Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Sau gần 2 tháng kể từ ngày xuất phát từ Hà Nội, Mạnh Tuấn đã đặt chân đến các vùng miền của Tổ quốc kêu gọi cộng đồng ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ con em ngư dân đang ngày đêm bám biển mưu sinh…
Thời gian qua, tài khoản facebook của Mạnh Tuấn liên tục được nhiều người trên mọi miền đất nước cập nhật để cổ vũ cho hành trình vì học sinh nghèo của anh bước vào chặng cuối. Ngày gặp Mạnh Tuấn ở Đà Nẵng, anh bảo rằng dù đã có sự chuẩn bị cách nay đến 7 năm nhưng khi đặt những bước chân đi từ miền Bắc vào miền Trung, anh mới thấm thía nỗi vất vả trên từng chặng đường khi liên tục gặp phải sự thay đổi về thời tiết và cả địa hình. Những lúc gần như kiệt sức, anh lại nghĩ đến các đứa trẻ ở miền biển và trên những quần đảo của đất nước với đôi mắt sáng tinh anh chứa chất niềm khao khát được đến trường. Thế là anh đi, mặc cho cơn đau khó chịu của đôi chân phồng rộp… Dừng chân ở Đà Nẵng, Mạnh Tuấn đã tặng 2 suất học bổng trị giá 1,4 triệu đồng cho 2 em Dương Thị Mỹ Học và Lê Thị Đào Duyên (học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, có hoàn cảnh khó khăn). Trước đó, anh đã tặng 2 suất học bổng (1 triệu đồng) cho 2 học sinh ở TP.Vinh (Nghệ An); tặng 3 suất học bổng (2,1 triệu đồng) cho 3 học sinh ở Quảng Trị… Mạnh Tuấn cho biết, khi rời Đà Nẵng anh sẽ thẳng tiến ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), anh dành ra 1,4 triệu hỗ trợ cho 2 gia đình ngư dân ở đây đã từng bị tàu Trung Quốc cướp, phá hoại tài sản.
Chia sẻ về hành trình của mình, Mạnh Tuấn cho biết anh đã ấp ủ dự định về chuyến đi này 7 năm nay. Đó là lần đầu tiên anh được xem clip về trận hải chiến trên đảo Gạc Ma. Tinh thần anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ hải quân đã thôi thúc anh hành động có ích vì quê hương. Dự định là vậy nhưng phải mất đến 7 năm ròng rã vừa chuẩn bị tài chính vừa phản biện xem việc làm của mình có ý nghĩa không, đem lại ích lợi gì cho nhân dân. Cuối cùng sau nhiều cân nhắc, bạn bè và đồng nghiệp ủng hộ, ba mẹ đồng ý, anh quyết định lên đường và chọn điểm xuất phát tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Anh Mạnh Tuấn trao quà cho một gia đình nghèo ở đảo Lý Sơn
|
Để có thể hoàn thành chặng đường hơn 2.000 cây số từ Bắc vào Nam, trước khi bắt đầu cuộc hành trình, mỗi ngày anh thức dậy từ 4 giờ sáng, khoác chiếc ba lô nặng 15kg đi bộ tập luyện khoảng 2 giờ trước khi đến trường. Tan giờ làm việc buổi chiều anh cũng lặp lại hành trình rèn luyện thân thể như vậy. “Ban đầu, sau mỗi ngày luyện tập, thân thể nhức đến rã rời, nhất là đôi chân sưng tấy. Sau đó khi quen dần, không còn cảm giác đau và mỏi chân thì tôi mới quyết định bắt đầu cuộc chinh phục”. Với khoản 10 triệu đồng chắt bóp từ lương giáo viên, cùng sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn Kon Tum và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, anh bắt đầu thực hiện chuyến đi.
Trên dặm đường thiên lý Bắc – Nam, bất kể ngày mưa hay nắng, người thầy giáo trẻ vai mang ba lô, gắn hai lá cờ Tổ quốc và lá cờ màu hòa bình in dòng chữ Hướng về biển Đông miệt mài những bước chân không mỏi. Anh dự định sẽ hoàn thành chuyến đi sau 2 tháng với mỗi ngày đi khoảng 40 cây số. Cảm phục trước hành động của Mạnh Tuấn, mỗi chặng đường anh đi qua đều có người động viên, cổ vũ nhiệt tình. Có người đi cùng anh đoạn đường 5-10 cây số mới chia tay…
Chặng đường ra đảo Lý Sơn, nhìn gương mặt rám nắng giữa biển trời mênh mông với lá cờ Tổ quốc trên vai, mọi người càng nể phục hơn ý chí của Mạnh Tuấn. Sinh năm 1987, trong một gia đình nông dân ở huyện Gio Linh (Quảng Trị). Tốt nghiệp ĐH, Mạnh Tuấn vào lập nghiệp tận Kon Tum, nhưng trong tâm trí luôn có sự thôi thúc làm một điều gì đó cho quê hương. Mạnh Tuấn bày tỏ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hứng sự chịu tàn khốc nhất của cuộc chiến tranh. Do đó tôi muốn làm được điều gì đó để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của hàng vạn anh hùng đã ngã xuống. Việc tôi làm hôm nay có thể rất nhỏ, nhưng đó là tâm nguyện của mình”.
Những ngày này, hành trình của Mạnh Tuấn đang dần đi về đoạn cuối. Hỏi cảm giác trong suốt gần 2 tháng qua, Mạnh Tuấn bảo đa chiều lắm, nếm đủ mưa nắng nhọc nhằn, nhất là những đêm vượt đèo một mình giữa mưa và thâm u rừng núi. Đường sá lạ lùng, nỗi sợ đâu đó len lỏi giữa những tiếng chim nơi núi rừng hoang vu vọng tới cũng rợn người. “Những lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến ngày mai, đến niềm hi vọng sẽ hoàn thành tâm nguyện và nhớ những nụ cười hiền, những giọt nước mắt xúc động của các cô cậu học trò miền biển nghèo nàn, những ngư dân sống đời lênh đênh biển cả còn thiếu thốn đủ bề”, Mạnh Tuấn chia sẻ. Và niềm tin ở những nụ cười ấy giúp đôi chân anh vững chãi hơn.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Trên dặm đường thiên lý Bắc – Nam, bất kể ngày mưa hay nắng, người thầy giáo trẻ vai mang ba lô, gắn hai lá cờ Tổ quốc và lá cờ màu hòa bình in dòng chữ Hướng về biển Đông miệt mài những bước chân không mỏi. |
Bình luận (0)