Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hào hùng những khúc hát miền Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu ai hi có đ xut gì v mnh đt “Min Đông gian lao mà anh dũng” thì tôi tha thiết đ ngh dng tưng đài “Nhng khúc hát min Đông”, ghi tên nhng bài hát song hành cùng hai cuc kháng chiến oai hùng ca dân tc; song hành mt thi gian kh, mt thi đn bom, mt thi hào hùng!

Một tiết mục ca – múa nhạc về Bác Hồ (ảnh minh họa). Ảnh: H.Trinh

Nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội Nga Xô Viết I-li-a Ê-ren-bua đã từng nói rằng: “Sức mạnh của một tác phẩm nghệ thuật chân chính đã động viên được mọi người còn lớn hơn sức mạnh của cả sư đoàn đánh giặc”! Điều đó thật đúng với những khúc hát về miền Đông, những khúc hát được “sinh hạ” trong những tháng ngày đánh giặc gian khổ nơi mảnh đất này. Có người nói khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc nói lên tiếng nói của mình. Những câu ca, điệu hát có sức lay động, cuốn hút mạnh mẽ mọi người một cách lạ thường. Thật tự hào miền Đông, từ trong gian khổ, khốc liệt vẫn vang lên tiếng hát; vang lên niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, thuở tuổi còn đi học, ở miền Bắc, tôi đã từng nghe bài hát thật rộn ràng: “Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu” (Xuân chiến khu – Xuân Hồng). Trong tôi, hiện lên không khí sinh hoạt của người chiến sĩ, của người dân trong chiến khu mừng đón xuân về. Đơn giản mà ấm áp tình quân dân cá nước, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ anh hùng. Niềm lạc quan, niềm tin thật trong sáng, thật mãnh liệt vào một ngày đất nước hòa bình: “Mai này, xuân về hoa nở khắp nhà/ Tìm anh bộ đội em tặng món quà/ Cùng anh kể chuyện đã qua/ Những ngày chiến chinh đời anh xông pha/ Ta đón xuân tưng bừng cờ hoa đón mừng/ Những người dân ta trẻ già/ Chúng ta chan hòa hát một bài ca” (Xuân chiến khu – Xuân Hồng).

Kể sao hết nỗi vất vả, cực nhọc của người dân miền Đông thuở “Lên ngàn” gặt lúa trong mùa nước lũ tràn về. Xung quanh là cảnh hoang tàn do bom đạn, chiến tranh nhưng kỳ diệu thay, con người vẫn sống, vẫn cày cấy, vẫn giấu niềm vui trong mùa gặt hái lặng thầm. Bài hát mở đầu bằng âm hưởng giọng hò Nam bộ thân thương: “Hò ơ dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng/ Nước ngược dòng hò ơ/ Em chèo thuyền đi lên rẫy Tráng Còng/ Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con/ Nước ngập đồng xanh lúa chết/ Gió mưa sập đổ mái nhà/ Bao nhiêu gia đình tan hoang/ Đau thương lệ rơi chứa chan” (Lên ngàn – Hoàng Việt). Nhịp điệu bỗng chuyển qua mạnh mẽ, dồn dập như tấm lòng thổn thức của người hậu phương đang nhớ về người đang chiến đấu nơi xa và nhắn gửi chắc chắn một niềm tin vào ngày mai thắng lợi: “Em đi cắt lúa trên ngàn/ Còn anh chiến đấu sa tràng/ Kháng chiến nhất quyết thành công/ Kháng chiến nhất quyết thành công/ Mai này kháng chiến thành công/ Anh về em thỏa ước mong” (Lên ngàn – Hoàng Việt).

Thế núi, thế rừng trùng điệp nơi miền Đông là những bức tường thành chở che người chiến sĩ. Thật đúng là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Tố Hữu). Dưới tán rừng miền Đông, có tiếng nhạc của rừng, tiếng nhạc của tinh thần lạc quan trong gian khổ. “Cúc cu! Cúc cu! Chim rừng ca trong nắng/ Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên miên/ Rừng hát gió lay trên cành biếc/ Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh/ Róc rách! Róc rách nước luồn qua khóm trúc/ Lá rơi! Lá rơi! Xoay tròn nước cuốn trôi” (Nhạc rừng – Hoàng Việt). Phải có một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm mới thấu cảm được tiếng nhạc của rừng, của suối chảy, của gió lay, của tiếng ve, của tiếng chim gù và cả tiếng lòng mình. Hình ảnh người chiến sĩ ở đây hiện lên thật đẹp làm sao! Qua khu rừng vắng, anh lắng nghe tất cả mọi âm thanh rộn rã quanh mình. Âm thanh của sự sống, của chút bình yên quý giá giữa chiến trường và anh cất lên tiếng hát: “Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng/ Lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới/ Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang/ Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang/ Tính tang! Tính tình! Miền Đông gian lao mà anh dũng/ Tính tang! Tính tình hăng hái chiến đấu với quân thù”.

Nơi chiến khu miền Đông những năm gian khổ, chúng ta thường gặp những người con của núi rừng! Đó là đồng bào các dân tộc ít người anh em sinh sống, gắn bó bao đời với nơi đây và người chiến sĩ miền Đông đã sống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với họ. Đồng bào dân tộc ít người anh em tuy nghèo về vật chất nhưng giàu tấm lòng tin yêu cách mạng. Nhịp chày giã gạo trên sóc Bom Bo thuở nào còn vang vọng đâu đây: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa/ Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya/ Bồng con ra võng để đòng đưa/ Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa/ Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ/ Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây/ Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay/ Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày” (Tiếng chày trên sóc Bom Bo – Xuân Hồng). Nhịp điệu tươi vui, hồ hởi của điệu nhạc khiến người nghe thật cảm động! Cách mạng cần gạo để nuôi quân, người dân Bom Bo sẵn sàng góp sức: “Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ/ Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây/ Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay/ Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày”.

Việt Nam đánh Mỹ không chỉ bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân mà còn bằng cả sức mạnh 4.000 năm lịch sử! Mạch ngầm sâu thẳm của lịch sử, của nền văn hóa Việt Nam được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh. Biểu hiện sinh động sức mạnh nền văn hóa là lời ca, là tiếng nhạc ra đời trong khói lửa chiến đấu oanh liệt “một tấc không đi, một ly không rời”. Những khúc hát hào hùng về mảnh đất miền Đông oai hùng một thời vẫn còn vang vọng mãi với thời gian, vượt thời gian…

Lê Đc Đng

Bình luận (0)