Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hào hứng với học liên môn

Tạp Chí Giáo Dục

Hai tiết học liên môn lịch sử – văn học với hình ảnh, clip, bản đồ, hoạt cảnh sôi động… khiến học sinh liên tục "ồ" lên thích thú.

Hào hứng với học liên môn - Ảnh 1.

Cách dạy sử liên tục hỏi – đáp, tương tác giúp học sinh hứng thú – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tiết học do giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du (môn sử) và Nguyễn Thị Thu Thủy (môn văn) giảng dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) sáng 7-11.

Áo yếm có nguồn gốc từ đâu?

"Theo clip chúng ta vừa xem, vùng đất đầu tiên của người Việt có tên là…" – thầy Du đặt câu hỏi. "Dạ, là Âu Lạc". Thầy Du: "Là Lĩnh Nam (cả hội trường cười ồ). Thủ lĩnh đầu tiên của đất Lĩnh Nam là Kinh Dương Vương. Con trai của Kinh Dương Vương là Sùng Lãm, lấy tên là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau này gặp ai nhỉ?" – "Dạ, Âu Cơ". "Đúng rồi. Lạc Long Quân gặp Âu Cơ rồi kết duyên vợ chồng, sinh ra bọc trăm trứng…".

"Thời kỳ văn hóa Đông Sơn người Việt ta đã chế tác ra một loại nhạc cụ nổi tiếng toàn khu vực. Đó là gì các con?" – cả hội trường đáp lại: "Dạ, trống đồng".

Thầy Du giải thích: "Đây là trống đồng (màn hình hiện ra hình ảnh trống đồng ở nhiều góc độ) thời Đông Sơn. Khi đánh lên tiếng trống rất vang và to. Sự tinh xảo trong quá trình đúc đồng được thể hiện ở thân và mặt trống. 

Bề mặt trống có khắc những hình thể hiện đời sống tinh thần của người Việt: những con chim lạc, ở giữa là hình mặt trời, trên bốn góc của trống đồng có bốn con vật liên quan đến đời sống nông nghiệp của người dân. Đó là con gì, bạn nào biết?" – "Dạ thưa thầy, con trâu ạ" – "Sai" – "Dạ, là con bò ạ" – "Con heo ạ" – "Con cá ạ" – "Con cóc ạ"…

Thầy Du reo lên: "Bạn nào vừa nói con cóc? Đúng là con cóc (các học sinh "ồ" lên đầy ngạc nhiên). Trong văn học dân gian chúng ta đã từng đọc câu chuyện con cóc thường nghiến răng khi trời sắp mưa, đúng không nào? Thế mới nói con cóc có liên quan đến đời sống của người Việt cổ".

"Chúng ta chuyển sang phần trang phục. Đặc trưng trang phục của người Việt cổ là những phần nào thể hiện giới tính thì che thật kín. Những phần không thể hiện giới tính thì hở tối đa. 

Khố dành cho nam, áo yếm dành cho nữ đã thể hiện rất rõ đặc trưng này (màn hình hiện ra hình ảnh những người đàn ông mặc khố rồi đến những cô gái mặc yếm). 

Áo yếm có nguồn gốc từ thời Việt cổ ở nước ta, có nét đặc thù rất riêng của người Việt chứ không phải có nguồn gốc từ nước nào khác nha các con". 

Nói rồi thầy Du nhấn mạnh: "Tuy nhiên, áo yếm chỉ là trang phục trong gia đình. Khi ra ngoài, các cô gái khoác thêm chiếc áo gọi là áo cánh. Váy thì dài ngang gối, không quá ngắn và không quá dài".

Lúc này học sinh bắt đầu chăm chú nhìn lên màn hình xem clip về nguồn gốc và đặc điểm trang phục của người Việt cổ…

Những phút giây lắng đọng

Chúng tôi sử dụng phương tiện dạy học trực quan như bản đồ, hình ảnh, clip; rèn luyện kỹ năng diễn xuất, kể chuyện, tường thuật; tự tin, hợp tác, lắng nghe tích cực, trình bày suy nghĩ, ý tưởng, lập kế hoạch, làm việc nhóm… cho học sinh"

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy

Ngoài những phút sôi động, tiết học còn để lại sự lắng đọng cho học sinh suy ngẫm. Nhất là khi thầy Du giảng đến phần tín ngưỡng: "Tín ngưỡng của người Việt là sùng bái tự nhiên, thờ cúng tổ tiên và các vị anh hùng. Đây là quan điểm đặc biệt của người Việt: khi ông bà chúng ta qua đời không phải biến mất mãi mãi mà chỉ đi qua một "miền nhớ". 

Sự sống của tổ tiên chúng ta tiếp tục được duy trì bởi niềm nhớ nhung của người ở lại. Hằng năm, đến ngày ông bà qua đời, con cháu tụ họp lại thắp một nén hương để tưởng nhớ. Chừng nào nén hương còn được thắp lên thì ông bà chúng ta vẫn còn tiếp tục sống ở "miền nhớ" đó. Cho nên con cháu phải có nhiệm vụ thắp một nén hương để tưởng nhớ ông bà…".

Lớp học đang sôi động bỗng lắng lại. Một vài nữ sinh rơm rớm nước mắt. Minh Thư – học sinh lớp 10A6 – chia sẻ: "Học sử hôm nay em mới hiểu tường tận về ý nghĩa của những ngày giỗ ông bà. Có hiểu mới trân trọng…". 

Một nam sinh đề nghị không nêu tên cũng nói: "Đó giờ em thường tìm cách trốn tránh những đám giỗ trong gia đình vì đông người, xô bồ, mệt mỏi. Hôm nay mới hiểu hết về nó. Em thấy hối hận quá…".

Đó còn là khi thầy Du giảng về phong tục – tập quán của người Việt cổ: "Là ăn trầu, nhuộm răng đen và xăm mình. Bạn nào biết tại sao phải nhuộm răng đen?" – một học sinh trả lời: "Dạ để ngụy trang cái dơ" – "Hoàn toàn sai lầm. Sau mỗi tập quán của tổ tiên đều có một suy nghĩ rất sâu sắc. 

Tổ tiên ta cho rằng chúng ta là con người, chúng ta phải cao hơn các con vật. Tất cả các loài vật đều có một điểm chung là răng trắng. Chúng ta là con người phải nhuộm răng đen" – cả hội trường tròn xoe mắt ngạc nhiên…

Khi tiết học kết thúc, một nhóm học sinh nữ bộc bạch với nhau: "Trước đây, mình cứ nghĩ áo yếm có nguồn gốc từ Trung Quốc" – "Tui cũng nghĩ vậy" – "Hôm nay học sử mới sáng ra nhiều điều, thấy tự hào về đất nước – con người Việt Nam quá…".

Diễn hoạt cảnh để học văn

hoc lien mon 2

Học sinh diễn hoạt cảnh trong môn văn – Ảnh: NHƯ HÙNG

Sau phần lịch sử của thầy Du, học sinh có những phút giây cười sảng khoái với hoạt cảnh của môn văn học dân gian như Sự tích trầu cau; Sự tích bánh chưng, bánh giầy; Sơn Tinh – Thủy Tinh… do học sinh trong lớp thể hiện.

Ở tiết học "Cội nguồn đất Việt" liên môn văn – sử, giáo viên dạy cho hơn 100 học sinh của bốn lớp 10 và hơn 50 học sinh thuộc ba lớp 10 khác tham gia diễn xuất trong các hoạt cảnh.

Nội dung bài dạy được tích hợp trong chủ đề: SGK ngữ văn 10 – bài "Khái quát văn học dân gian" và bài "Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam", phần Quốc gia Văn Lang – Âu Lạc, SGK lịch sử 10.

HOÀNG HƯƠNG/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)