"Cổ phần hóa" cũng là một cơ chế cho giáo dục. Nhưng cơ chế này mạnh quá, khác thường quá nên cá nhân tôi chưa đồng lòng vì lo phát sinh nhiều bất cập", GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho hay.
GS-TS Hoàng Văn Châu: "Trường ĐH Ngoại thương chưa sẵn sàng chuyển sang công ty cổ phần".
|
ĐH Ngoại thương là một trong số ít trường ĐH thuộc diện "đơn vị sự nghiệp có thu đang thí điểm cơ chế tự chủ tài chính".
Đây cũng là trường được xem là "Harvard của Việt Nam" – một trong những trường ĐH hàng đầu ở lĩnh vực đào tạo kinh tế, với điểm tuyển sinh hàng năm vào loại "top ten".
Chưa chặt chẽ kiểm định, chưa thí điểm cổ phần hóa
Nhà nước muốn thí điểm cổ phần hóa trường ĐH thì phải lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên. Cá nhân tôi không ủng hộ việc chuyển đổi trường công sang cổ phần hóa.
Nếu chạy theo lợi nhuận thì các trường đào tạo, cấp bằng tràn lan. Nhiều khi, sinh viên chẳng cần học, chỉ cần nộp tiền vào cũng được cấp bằng.
Tới đây, việc cấp bằng sẽ do hiệu trưởng quyết nên tiêu cực có thể xảy ra.
Thực hiện cổ phần hóa dễ chạy theo lợi nhuận; có thể bỏ qua bất kỳ khâu nào đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ chế chặt chẽ đảm bảo kiểm định chất lượng.
Mặt khác, chưa có nước nào trên thế giới cổ phần hóa các trường ĐH, càng không có trường nào lấy lãi để chia cho cổ đông đóng góp.
ĐH Ngoại thương có thể thí điểm chuyển sang cổ phần hóa được. Khi chuyển cổ phần hóa, trường sẽ tăng thêm nguồn tài chính để đầu tư phát triển.
Nhưng mặt không tốt là khi chuyển sang cổ phần hóa thì sẽ thương mại hóa giáo dục. Hàng năm, sẽ phải lấy lợi tức chia cho các cổ đông dẫn đến đào tạo vì lợi nhuận.
Việc thực hiện lúc đầu có thể tốt nhưng sau sẽ không tránh khỏi việc sa đà vào tính chất thương mại.
"Cổ phần hóa" cũng là một cơ chế cho giáo dục. Nhưng cơ chế này mạnh quá, khác thường quá nên cá nhân tôi chưa đồng lòng vì lo phát sinh nhiều bất cập.
"Cần cơ chế tự chủ"
Để phát triển giáo dục ĐH, cần tạo một cơ chế tự chủ. Là trường công thì phải có nghĩa vụ với nhà nước.
Nhà nước nên có cơ chế quy định một số trường công phải dành một số chỉ tiêu, đào tạo theo giá bình thường để phục vụ người nghèo, phục vụ các đối tượng chính sách.
Còn lại, các trường được tự quyết, tự chủ về vấn đề học phí và chỉ tiêu tùy theo năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ví như: ĐH Ngoại thương có thể dành 1/3 chỉ tiêu phục vụ người nghèo, đối tượng chính sách. Còn lại, 2/3 năng lực đào tạo có thể do trường tự quyết định mức học phí theo nhu cầu xã hội, theo thị trường.
Khi thực hiện cơ chế này thì các trường thu học phí để tiếp tục đầu tư, tăng thu nhập chứ không phải để chia chác lợi nhuận.
Không nên vội vàng tiếp tục… thí điểm?
ĐH Ngoại thương là một trong 4 trường (gồm ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Kinh tế TP.HCM) được giao tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, các trường này vẫn thực hiện như các trường công khác cả về chỉ tiêu, học phí vẫn thu 1,8 triệu/sinh viên/năm.
Những vấn đề đáng ra trường phải được quyết nhưng thực tế vẫn chưa có "cơ chế mở".
SV Trường ĐH Ngoại thương trong một giờ học. Ảnh: Nguyên Nhung
|
Chẳng hạn, SV nước ngoài sang học, trường thu học phí cao hơn thì Thanh tra tài chính về kiểm toán “thổi còi” không được thu hơn mức quy định là 1,8 triệu đồng.
Trong khi, với mức này, nhà trường sẽ phải bù lỗ. Mà thực tế, chi phí sinh hoạt, trả cho giáo viên đã tăng gấp nhiều lần.
Mỗi năm, tổng thu học phí của trường trên 50 tỷ đồng gồm cả hệ chính quy và tại chức. Trong đó chi lương giáo viên khoảng 20 tỷ đồng.
Các trường thí điểm tự chủ tài chính đến nay vẫn bị "bó" bởi không có cơ chế hoạt động riêng. Kinh phí bị cắt, học phí lại không được tăng, nên rất thiếu nguồn tài chính để phát triển.
Do vậy, Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đào tạo, được thu học phí cao với những chương trình đào tạo có chất lượng…
Song song với việc giao quyền tự chủ, cần có cơ chế quy định rõ ràng: trường tự chủ khác gì trường không tự chủ. Và tự chủ không có nghĩa là nhà nước cắt kinh phí? Đã là trường công thì nhà nước phải đảm bảo kinh phí đào tạo?
Và, trong khi chưa có cơ chế rõ ràng để các trường tự chủ tài chính thì không nên vội vàng đưa cái mới để tiếp tục… thí điểm?
– Trường ĐH Ngoại thương thành lập năm 1960. Sơ khai là bộ môn trong Khoa Quan hệ quốc tế do Bộ Ngoại giao quản lý. Năm 1984, chuyển sang Bộ ĐH và THCN (nay là Bộ GD-ĐT).
– Trường hiện đang đào tạo 7 ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Trung, Tiếng Pháp.
Quy mô SV tuyển mới mỗi năm là 2.800. Tổng số sinh viên ra trường đến nay là 35.000.
– Tổng số cán bộ, giảng viên của trường là 420. Trong đó, 2 người có học hàm GS, 3 Phó GS, 50 tiến sĩ. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 60%.
– Trường có 2 cơ sở. Cơ sở 1 đóng tại quận Đống Đa (Hà Nội) có diện tích 2,2 ha; cơ sở 2 đóng tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) với diện tích 0,5 ha.
– Chiến lược phát triển từ 2009 đến 2020: Đảm bảo tốt tiêu chuẩn về diện tích học tập và mức đầu tư trang thiết bị trong lĩnh vực đào tạo GD ĐH theo quy định của nhà nước; Phát triển, mở rộng khuôn viên ở hai cơ sở với diện tích ít nhất 30 ha ở mỗi cơ sở (Hà Nội và TP.HCM), thêm một cơ sở ở miền Trung…
|
Kiều Oanh (Vietnamnet)
Bình luận (0)