Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hát bội: Lỗ hổng lớn về nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Hát bội đang thiếu đầu tàu về mặt định hướng, quản lý lẫn cơ chế đầu tư, cần có sự chung tay của rất nhiều thành phần: cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật, giáo dục, du lịch…

Đây là thực trạng mà để có thể giải quyết, cần rất nhiều nỗ lực, không chỉ của một đơn vị, một đoàn hát, mà phải là sự tổng lực của cơ quan quản lý, định hướng phát triển văn hóa.

Sự thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng

Nguồn nhân lực trẻ cho nghệ thuật hát bội đang là vấn đề thực sự đáng lo ngại. Điều này có thể thấy ngay qua tình hình của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Một số nghệ sĩ kỳ cựu của nhà hát sắp về hưu. Phần lớn nghệ sĩ trong đoàn thì đang tuổi trung niên. Nhà hát đã phải tuyển hơn mười diễn viên trẻ tốt nghiệp chuyên ngành cải lương để đào tạo. Nhân sự trẻ sẽ vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm.

Hà Trí Nhơn, một trong những nghệ sĩ trẻ đang học nghề tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM

Hà Trí Nhơn, một trong những nghệ sĩ trẻ đang học nghề tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM

Gọi là trẻ, nhưng hầu hết những gương mặt này đều đã trưởng thành, trên độ tuổi lý tưởng để rèn luyện hát bội. Trước đây, các nghệ sĩ danh tiếng đều được đào tạo từ nhỏ. “Nghề này khác nhiều lĩnh vực khác. Phương thức truyền đạt tốt nhất là truyền nghề từ nhỏ, hiệu quả nhất là cha truyền con nối. Tuổi đẹp nhất để phát huy hết năng lực là tuổi thiếu niên”, NSƯT Ngọc Dung chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, NSƯT Linh Hiền trăn trở: “Hiện các em đều đã lớn. Cần khoảng sáu năm để có thể nhuần nhuyễn kỹ năng, lúc đó thì họ đã bước vào tuổi trung niên. Thời gian làm nghề còn lại không nhiều”. 

Chưa kể, khi bắt đầu với hát bội, các nghệ sĩ trẻ cũng khá vất vả vì nền tảng được đào tạo trước đó lại là một môn khác. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ – Giám đốc nhà hát – cũng nhìn thấy những trở ngại này. Theo ông, số nghệ sĩ trẻ hiện tại tuy ít ỏi, nhưng đã là sự cố gắng hết sức của nhà hát.

Hiện phần lớn nhân lực của đoàn tuồng cổ của NSƯT Ngọc Khanh cũng đều đã lớn tuổi. Chỉ có một vài gương mặt trẻ là cháu, con của bà. Việc tìm kiếm nhân lực trẻ bên ngoài khó như “mò kim đáy bể”. Bà cho biết, một số đoàn hát bội ở các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang… cũng rơi vào cảnh tương tự, nhân sự lớn tuổi ngày càng khó thể đáp ứng việc biểu diễn vì lý do sức khỏe, còn người trẻ thì quá hiếm. 

Đoàn hát bội Đồng Thinh là một trong những đoàn hát bội kỳ cựu còn tồn tại ở miền Tây, được quản lý bởi NSƯT Vũ Linh Tâm – truyền nhân đời thứ ba trong gia đình chuyên làm nghề hát bội. Ông nói: “Ngoài cha truyền con nối, thì hầu như hiện tại khó tìm được người trẻ bên ngoài nối nghiệp. Phần nhiều học trò tôi có khiếu hát cải lương, đờn ca tài tử học thêm hát bội để nâng cao kỹ năng, còn để chuyên hát bội thì khó hơn tìm vàng”.

Nhân sự ngành hát bội đang trong thực trạng măng đã già nhưng tre chưa mọc

Nhân sự ngành hát bội đang trong thực trạng măng đã già nhưng tre chưa mọc

Bao giờ có lời giải?

Theo ông Hoàng Vũ, có hai thực tế mà hát bội đang đối diện. Con nhà nòi không theo nghề, hoặc bản thân nghệ sĩ cũng không muốn cho con theo nghề. Còn người ngoài, hầu như hiếm ai chọn hát bội để học. NSƯT Linh Hiền cho biết gia đình ông bốn đời theo hát bội, nhưng đến đời thứ năm, con cháu không ai theo nghề. Nghệ sĩ Ngọc Hương dẫu rất muốn con nối nghiệp, nhưng không thể ép buộc. Thế hệ trẻ đều sớm nhận thức theo nghề này vất vả, nên muốn chọn công việc khác. Ngoài ra, theo nghệ sĩ Ngọc Hương, phải tính chuyện con em có năng lực để có thể theo nghề hay không. “Đã theo nghề, phải ca hay, diễn giỏi… để lại vai diễn ấn tượng. Còn không, cả đời chỉ lay lắt thì càng tội hơn. Nghề này không có tình yêu mãnh liệt rất khó để theo”, bà nói.

Khó khăn này của hát bội thực ra không mới. Nhưng hơn hai năm qua, tình hình ngày càng tệ hơn. NSƯT Vũ Linh Tâm nói, trước dịch, đoàn ông có tám em, được đào tạo từ nhỏ, dự định theo nghề. Tuy nhiên, sau hai năm dịch, nhiều em phải rời đoàn, về quê theo cha mẹ kiếm kế sinh nhai, nên hiện đoàn chỉ còn ba em nhỏ. Tương lai ra sao, ông thật khó có câu trả lời.

NSƯT Ngọc Khanh nói: “Quá nhiều khó khăn khiến hát bội trở thành nghề có thu nhập quá thấp so với mặt bằng chung. Có ai muốn con em mình theo đuổi nghề có thu nhập bấp bênh, tương lai không rõ ràng? Nhân sự trẻ viết tiếp tương lai cho hát bội dường như chỉ là giấc mơ xa tầm với”.

Sân khấu gặp khó, đặc biệt là sân khấu truyền thống và hát bội là yếu thế hơn cả. Thị trường biểu diễn hẹp, do đặc thù về địa điểm biểu diễn, dàn dựng. Do đặc thù diễn xuất, nghệ sĩ hát bội khó có cơ hội tìm thêm các công việc khác như nghệ sĩ kịch, cải lương để tăng thu nhập. Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM là đơn vị có sự hỗ trợ từ Nhà nước mà vẫn đối diện vô vàn khó khăn, thì các đoàn hát bội tư nhân càng khó hơn. 

Thế hệ kế thừa của nghệ thuật hát bội vẫn là bài toán khó chưa tìm được lời giải

Thế hệ kế thừa của nghệ thuật hát bội vẫn là bài toán khó chưa tìm được lời giải

Hiện các đoàn vẫn hoạt động lẻ tẻ, trong khi đó, nền văn hóa, giải trí đã chuyển biến, thay đổi không ngừng. Hát bội đang thiếu đầu tàu về mặt định hướng, quản lý lẫn cơ chế đầu tư, cần có sự chung tay của rất nhiều thành phần: cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật, giáo dục, du lịch… Những vấn đề này vượt ra khỏi phạm vi của một đoàn hát, nhà hát.

Trong một cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhà nghiên cứu văn hóa, diễn giả Venny Afwany Alamsyah (người đã đi hơn 100 quốc gia quảng bá văn hóa, di sản Indonesia) nói, có hai vấn đề quan trọng nhất với văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại, là quảng bá và giáo dục (đối với thế hệ trẻ). Đối chiếu với tình hình hát bội hiện tại, cả hai đều chưa được làm tốt. Đã có một số hoạt động mang hát bội đến trường học, biểu diễn, nhưng quy mô, tính ổn định… đều chưa đáp ứng việc duy trì sức sống cho loại hình nghệ thuật này. Việc khai thác hát bội để tạo ra nguồn thu trong du lịch, biểu diễn… vẫn chưa có hiệu quả, chưa đúng tầm cần có. 

Ông Hoàng Vũ đề xuất cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích người trẻ theo học hát bội. Nhưng đây chỉ là phần ngọn, còn gốc rễ của vấn đề phải xuất phát từ việc thay đổi vị thế của nghệ thuật này trong tương lai gần. Làn sóng văn hóa, giải trí hiện đại đang tạo sức ép lớn lên văn hóa truyền thống. Thực tế này càng đòi hỏi việc tìm cách thu hút người trẻ, thay đổi hát bội càng cấp thiết. 

“Tôi và nhiều nghệ sĩ tâm huyết sẵn sàng góp sức. Nhưng đường đi, chính sách phải nhờ Nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa… Tôi hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ không phải nuối tiếc vì đã không có những nỗ lực sớm hơn để giữ gìn nghệ thuật hát bội”, NSƯT Ngọc Dung chia sẻ.

Thu hút nguồn nhân lực trẻ cho hát bội là bài toán không dễ, và chắc chắn không thể làm trong ngày một ngày hai, nhưng chắc chắn một điều là chúng ta phải làm ngay từ bây giờ. Nếu không sẽ là quá muộn.

Theo Trung Sơn/PNO

 

 

Bình luận (0)