Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hát bội rồi sẽ mai một?

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở hát bội Trảm Trịnh Ân của Đoàn hát bội TP

Hơn một thế kỷ qua, hát bội đã góp một phần không nhỏ cho sân khấu Việt Nam. Thế nhưng hiện tại, sân khấu hát bội đang “báo động đỏ” trước sự thiếu vắng khán giả. Đây là nỗi lo và sự trăn trở của những người tâm huyết với lĩnh vực này.
Trạng thực đáng buồn
Nói đến hát bội, người ta có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi quen thuộc: NSND Đinh Bằng Phi, cô đào Ba Đắc, Năm Nhỏ, Kim Thanh, Ngọc Khanh, cố nghệ sĩ Kim Ngà, Ngọc Dung… từng mê mẩn lòng người. Đã có những ngày người ta tíu tít rủ nhau đi xem hát bội tại các rạp hát, gánh hát hoặc qua ti vi. Cái hào quang ấy không thể giữ nổi sân khấu hát bội những ngày mở cửa. Hát bội đi xuống như sự trượt dốc đáng sợ. Ngày xưa ông bà ta rất chuộng xem hát bội, vì hát bội được xem là loại hình sân khấu có truyền thống lâu đời và độc đáo. Người diễn viên ra sân khấu mang theo cả thời gian, không gian vào trong đó, mặc dù sân khấu trống trơn, nhưng qua biểu diễn của họ, khán giả cảm nhận đây là thư phòng, là đường cái, là rừng núi, là sớm, là chiều… Thế nhưng, loại hình sân khấu này hiện bị thiếu khán giả trầm trọng, nhất là khán giả trẻ. Cách đây không lâu, đạo diễn kiêm MC Hữu Luân đã phối hợp với Đoàn nghệ thuật hát bội TP.HCM giới thiệu bộ môn truyền thống dân tộc này đến với khán giả trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên (mỗi tháng một lần) qua nhiều vở tuồng nổi tiếng được dàn dựng công phu: Trảm Trịnh Ân, Lưu Kim Đính, Phụng Nghi Đình, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân báo phu cừu, Phàn Lê Huê phá hồng thủy trận, Chung Vô Diệm… Khách quan mà nói, các tuồng hát bội đều có cốt truyện vừa hấp dẫn, gay cấn hồi hộp, vừa là bài học nhân ái đạo đức. Trang phục cũng rất đẹp, diễn viên mềm mại, uyển chuyển, óng ánh ngũ sắc. Nhưng sự yêu thích này chỉ… sống được thời gian đầu, do tính tò mò hoặc vì… miễn phí. Còn sau đó, chẳng mấy ai đến xem. Thời gian qua, Đoàn nghệ thuật hát bội cũng đã trình diễn vở Dũng khí Đặng Đại Độ – vở tiên phong trong việc cải cách lấy lịch sử Việt Nam làm đề tài chính, dàn dựng tiết tấu nhanh hơn, ngôn ngữ dễ hiểu hơn. Vậy mà vẫn thiếu vắng khán giả. Chỉ có các ông cụ, bà lão muốn “ôn lại quá khứ” ngồi xem, lâu lâu lại tán thưởng bằng cách vỗ tay và… bỏ tiền vào chiếc thùng để trước sân khấu. Chẳng có bạn trẻ nào chứng kiến sự đổi mới thú vị ấy. Dường như các bạn mắc cỡ khi vào xem hát bội, sợ bạn bè đánh giá là nhà quê. Bạn nào tò mò lắm thì vào “xem thử”, chưa ngồi nóng ghế thì đã ngáp dài và bỏ ra về. Nhìn lên sân khấu, người nghệ sĩ vẫn diễn một cách say mê, nhiệt tình đầy cố gắng sống trọn đời với nhân vật của mình. Nhưng liệu ngọn lửa nhiệt thành với nghề trong lòng họ sẽ còn cháy bao lâu?
Hát bội rồi sẽ mai một?
Một vài khán giả trẻ người nước ngoài là sinh viên Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM nói: “Chúng tôi thích nhạc dân tộc Việt Nam, qua đây được đi xem hát bội giúp chúng tôi phần nào cảm nhận được nghệ thuật độc đáo của các bạn…”. Nhưng những khán giả trẻ tri âm với hát bội như thế vào thời điểm này rất hiếm. Như vậy, hát bội sẽ tồn tại như thế nào trong tương lai, nếu quá ít những người chịu lao vào sống chết với ngành nghệ thuật truyền thống này. Ai sẽ là lớp diễn viên kế thừa cái nghề mà nếu không có “máu truyền thống” sẽ khó lòng mà theo được. Sân khấu hát bội rồi sẽ mai một? Cho đến khi nào các bạn trẻ chúng ta biết trân trọng, quan tâm, giữ gìn vốn quý của sân khấu truyền thống dân tộc thì lúc ấy nghệ thuật hát bội mới sẽ không còn là những nốt nhạc buồn nữa. Hiện tại, cùng với những đêm nhạc trẻ, biểu diễn thời trang thì hát bội trở thành một hạt cát nhỏ giữa đại dương mênh mông. Nhiều bạn trẻ cho rằng hát bội chỉ dành cho những người già, mà người già thì còn sống được bao lâu để thưởng thức, để bảo tồn? Vâng, đó là lời cảnh báo trước nguy cơ biến mất một loại hình nghệ thuật của dân tộc ta. Hãy cho hát bội một chỗ vịn mà đi tiếp vào thế kỷ mới của nhân loại.
Giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê cho biết: “Tuổi tác của tôi ngày càng cao nên tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất là có thể gửi gắm những hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thế hệ sau cố gắng giữ gìn, phát huy và tiếp nối muôn đời. Bởi trong thời buổi văn hóa phương Tây du nhập vào đời sống tinh thần của giới trẻ khiến những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mà điển hình là hát bội, đang dần bị quên lãng. Điều này khiến cho tôi rất buồn…”.
 
HIỆP THANH

Bình luận (0)