Chín năm sau Festival Huế 2002, các nhà cổ được quy hoạch thành các điểm tham quan nhà vườn ở TP Huế gần như bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng
Nằm dọc theo đường Phú Mộng, phường Kim Long – TP Huế có 7 điểm tham quan nhà vườn nhưng hầu hết cửa đóng, then cài. Tìm đến ngôi nhà vườn Tích Thiện Viên (điểm tham quan số 5), phải đợi khá lâu chúng tôi mới được chủ nhân ra mở cổng đón vào nhà.
Làm du lịch không công
Chủ nhà vườn Tích Thiện Viên, ông Nguyễn Ngọc Trinh, giải thích lý do thờ ơ mở cửa nhà vườn đón khách: “Khách tới tham quan mình phải tiếp nước, giới thiệu, bỏ công lau dọn nhà, cắt tỉa vườn tược cho tươm tất nhưng chẳng được xu nào. Làm công không hoài sao được”.
Vì vậy nên nhà vườn rộng hơn 1.000 m2 của ông Trinh, trong đó ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm trở nên hoang tàn. Mở cánh cửa vào ngôi nhà cổ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh nước chảy lênh láng trên nền nhà và những mảng tường nứt toác.
Tọa lạc giữa mảnh vườn rộng đến 1.800 m2, ngôi nhà cổ ở điểm tham quan nhà vườn số 4 được xây dựng từ đầu thế kỷ XX với tường xây gạch, mái ngói 3 gian, cầu thang bộ nằm phía ngoài trời. Nhưng từ lâu, điểm tham quan này luôn trong tình trạng cổng đóng, vắng người với lý do tương tự.
Điểm tham quan nhà vườn số 4 Phú Mộng Viên luôn trong tình trạng vắng vẻ
Các điểm nhà vườn khác trên đường Phú Mộng, phường Kim Long cũng cùng cảnh đìu hiu, không bóng người. Ông Nguyễn Văn Trọng, chủ nhà vườn số 3, than thở: “Đón khách mà chẳng có kinh phí, thù lao mua trà, mua nước thì sao chúng tôi hoạt động được. Nhà thì ngày càng xuống cấp, trong khi chúng tôi cứ đợi chờ chính quyền hỗ trợ”.
Vì không được hỗ trợ, đầu tư nên kể từ sau Festival Huế năm 2002, các nhà vườn ở Phú Mộng không còn là điểm đến du lịch lý tưởng. Anh Ngô Văn Thịnh, hướng dẫn viên của một công ty du lịch tại TP Huế, cho biết: “Điểm tham quan nhà vườn chỉ là điểm phụ của tuyến tham quan Huế và gần như không có gì ngoài những khu nhà cổ xuống cấp nên du khách ít lui tới và không muốn trở lại”.
Mỏi mòn chờ hỗ trợ
Ông Trần Thanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Huế, thừa nhận tình trạng các chủ nhà vườn ở Phú Mộng gặp khó khăn vì ít khách, không có thu nhập, trong khi nhà cửa ngày càng xuống cấp. “Các công ty du lịch cho biết rất ít khách muốn đến tham quan nhà vườn vì thiếu dịch vụ đi kèm. Chúng tôi đã nhận được đơn đề nghị xin được hỗ trợ kinh doanh của các chủ nhà vườn này và đang xem xét giải quyết” – ông Thanh nói.
Vào năm 2002, UBND TP Huế đã trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề án bảo tồn, phát huy 150 ngôi nhà vườn cổ còn nguyên vẹn trên địa bàn. Đến tháng 11-2009, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế mới ban hành quyết định quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn cổ. Theo đó, khi trùng tu, tôn tạo nhà sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế; được hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng một căn nhà…
Thế nhưng, từ đó đến nay, theo các chủ nhà vườn cổ, vẫn không thấy cơ quan chức năng đả động gì đến việc hỗ trợ. “Chúng tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trùng tu nhà cổ, chống xuống cấp. Ngoài ra, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí phục vụ khách du lịch” – ông Trinh đề nghị.
Sẽ có kinh phí trùng tu
Trước bức xúc của các chủ nhà vườn cổ ở TP Huế, ông Trần Thanh cho biết Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Huế đã gửi phiếu đến các chủ nhà vườn để họ đăng ký xin được hỗ trợ.
Sau khi nhận lại các phiếu này, phòng sẽ xem xét để trình lên UBND tỉnh phê duyệt kinh phí. “Đây là chính sách không chỉ giúp các nhà vườn Huế trùng tu, phát huy nhà cổ mà còn hỗ trợ họ trong việc học nghề, phát triển các dịch vụ du lịch” – ông Thanh cho biết thêm.
|
Theo QUANG NHẬT
(NLD)
Bình luận (0)