TP.Thủ Đức bước đầu hình thành trung tâm tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Khu Công nghệ cao… Đây là những tiền đề để TP.Thủ Đức trở thành hạt nhân dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ
Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM được xác định là một trong những hạt nhân phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức cho TP.Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung. Hiện nay, ĐHQG TP.HCM có 8 đơn vị thành viên (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH KHTN, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH An Giang, Viện Môi trường – Tài nguyên) và 31 đơn vị trực thuộc gồm: các khoa, phân hiệu, các trung tâm, đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ và dịch vụ đào tạo.
Một góc của Quảng trường sáng tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS. Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP.HCM cho biết, báo cáo chính trị của Đảng bộ ĐHQG TP.HCM đã xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030: “Đổi mới đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Về mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 bắt kịp các trường ĐH nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 trường ĐH hàng đầu của châu Á; Đến năm 2030 trở thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM”.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là đô thị xanh
Tại ĐHQG TP.HCM, trong giai đoạn vừa qua, một mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp hướng đến xây dựng thành trung tâm của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã được hình thành, đó là Khu công nghệ Phần mềm (ITP). Với mục tiêu xây dựng ITP thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động tại khu Đông TP, từ năm 2016 đến nay, ITP tiếp tục hỗ trợ cho gần 100 nhóm khởi nghiệp, tổ chức hơn 200 sự kiện và 10 ngàn sinh viên tham gia học tập, thực tập và làm việc/ năm.
TS. Vũ Hải Quân cho biết, giai đoạn 2020-2030, ĐHQG TP.HCM sẽ chủ động tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực. Cụ thể là các đề án: Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 lĩnh vực và ĐH chia sẻ giai đoạn 2020-2035; Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030; Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030.
Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM được đầu tư trang thiết bị hiện đại bắt kịp xu hướng công nghệ
Sinh viên ĐH Quốc gia nghiên cứu và chế tạo robot
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, TP.Thủ Đức có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha (10% diện tích TP.HCM) và quy mô dân số 1.013.795 người (chiếm 12% tổng dân số TP.HCM). TP.Thủ Đức là trung tâm miền Đông Nam bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận. Như tuyến Metro số 1 Suối Tiên – Bến Thành; đường Vành đai 3 (Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch), cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn – sông Đồng Nai… Đồng thời, khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe Miền Đông mới) và đường thủy nội địa.
Khu Công nghệ cao TP.HCM thu hút nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao
Khu Công nghệ cao TP.HCM có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Khu Công nghệ cao hiện thu hút nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung… với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.
Khu vực đã cơ bản hình thành như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc với chức năng chính là trung tâm thương mại – tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.
Trần Tuy An
Bình luận (0)