Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hát rap, sáng tác truyện tranh để học sử

Tạp Chí Giáo Dục

Hc sinh khoe sn phm hc lch s do bn thân thc hin

Hơn tuần nay, học sinh khối 8 Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM) đã trải qua những giờ học lịch sử vô cùng ấn tượng. Với hoạt động “Sáng tạo đi, chờ chi”, cùng câu slogan “Học lịch sử theo cách riêng của bạn”, cô Nguyễn Trần Thúy Anh (giáo viên môn lịch sử của trường) đã thổi làn gió mới cho học sinh đến với bộ môn. Cách học sáng tạo này được cô Thúy Anh xây dựng trong bài 8 chương trình Lịch sử lớp 8: Sự phát triển của kỹ thuật, khoa học, văn học và nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX. Lựa chọn bài 8, cô Thúy Anh cho hay, do kiến thức bài học không quá khó và gần gũi với học sinh, đặc biệt là bài học xuất hiện khá nhiều kiến thức về định luật, phát minh, những con số mà học sinh đang được học trong các bộ môn khoa học tự nhiên. “Như vậy, không chỉ ở môn lịch sử mà qua sự đổi mới này học sinh còn được tìm hiểu các kiến thức ở nhiều bộ môn khác, để tìm thấy mối liên hệ giữa những kiến thức đó với đời sống lịch sử của nhân loại”, cô Thúy Anh chia sẻ.

Trong hoạt động “Sáng tạo đi, chờ chi”, mỗi học sinh tự thiết kế một sản phẩm để học lịch sử. Theo đó, có nhiều cách sáng tạo đã được học sinh lựa chọn như vẽ tranh, học theo sơ đồ tư duy, mô phỏng trang facebook, làm sản phẩm handmade cho đến hát rap… Độc đáo hơn, nhiều học sinh còn đưa những nhân vật mình yêu thích vào học cùng như Doremon, ca sĩ nổi tiếng. Số sản phẩm do học sinh thiết kế sau một tuần phát động đã lên đến hàng trăm. “Tôi khá bất ngờ trước những ý tưởng của học sinh. Để có thể thiết kế được một sản phẩm, bắt buộc các em phải có sự tìm kiếm tư liệu, kiến thức, lên ý tưởng. Thoát khỏi sự rập khuôn của SGK để tóm tắt kiến thức, từ đó học theo cách bản thân thấy dễ hiểu nhất”, cô Thúy Anh nói.

Trong quá trình học sinh triển khai ý tưởng, để sản phẩm làm ra không vượt qua lằn ranh cho phép, cô Thúy Anh đã lập ra group chat cho mỗi lớp, kịp thời giải đáp những thắc mắc của từng học sinh, qua đó khuyến khích các em tính tự học, tự trau dồi, tranh biện, tự tin hơn trong giao tiếp… Khá yêu thích nhân vật Doremon, Nguyễn Thuận Kiều Trâm (lớp 8A9) đã cùng nhân vật này quay ngược về quá khứ để chứng kiến sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX thông qua nét vẽ “Hành trình khám phá lịch sử”. Kiều Trâm tỏ ra khá hào hứng với phương pháp này, vì mỗi học sinh được lựa chọn cách học mà bản thân mong muốn, từ đó nhớ bài nhanh hơn. “Nếu muốn học sinh sáng tạo, tích cực thì đừng bao giờ gò bó các em. Giáo viên thường sợ học sinh vượt ra ngoài kiến thức SGK; tuy nhiên, kinh nghiệm là hãy định hướng, tạo đường ray để các em thỏa sức sáng tạo theo cách bản thân mong muốn nhất. Đó cũng là cách để các em yêu thích bộ môn, học tập có hiệu quả hơn”, cô Thúy Anh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đ.Yến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)