Dùng tiếng hát để làm từ thiện, lấy hè phố để làm sân khấu… đổi lấy nụ cười cho bao trẻ em nghèo, bệnh nhi khó khăn là những gì mà nhóm “Hát rong từ thiện Sài Gòn” đã làm ròng rã trong hơn một năm qua.
Nhóm “Hát rong từ thiện Sài Gòn” trong một buổi tối đi hát |
Với tất cả tình yêu đời, yêu người, tiếng hát “từ thiện” ấy đã nhóm lên biết bao ngọn lửa sự sống cho những hy vọng đang dần lụi tàn.
Từ thiện cũng phải tự chủ tài chính
Hơn một năm nay, vào mỗi tối cuối tuần, người dân khu Trung Sơn (Q.8), Vĩnh Khánh (Q.4) lại quá quen với hình ảnh một nhóm bạn trẻ với đồng phục vàng, kéo loa và băng rôn, đứng hát ngoài hè phố và vào quán nhậu… xin tiền.
“Ban đầu mọi người nghĩ nhóm bán kẹo kéo. Nhưng khi nghe chúng mình giải thích rằng chúng mình chỉ dùng tiếng hát để làm từ thiện, mục đích quyên góp tiền cho các bệnh nhi. Đặc biệt là các trường hợp cấp cứu và đồng bào vùng sâu vùng xa thì mọi người cũng vui vẻ ủng hộ”, chị Nguyễn Hồng Ngọc, Trưởng nhóm Hát rong từ thiện Sài Gòn chia sẻ.
Theo chị Hồng Ngọc, trước đó nhóm đã làm từ thiện với cách thức truyền thống là kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Tuy nhiên, trong một lần vì không xin được tiền để giúp đỡ một bé ở Gia Lai chữa bệnh tim nên bé đã không qua khỏi. “Đó là một cú sốc rất lớn đối với mỗi thành viên, thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cả nhóm. Có rất nhiều cách làm từ thiện nhưng làm từ thiện cũng phải tự chủ về tài chính thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhóm Hát rong từ thiện Sài Gòn ra đời như thế”.
Ngày đầu tiên đi hát trên đường Vĩnh Khánh (Q.4) với lỉnh kỉnh loa, băng rôn, nhóm đã thu được gần 9 triệu đồng. “Từ đó, mỗi cuối tuần đều đặn nhóm lại kéo loa ra phố, chọn các quán nhậu để… hát từ 19h đến 22h. Số tiền mỗi đêm thường là 4, 5 triệu, nhiều nhất là 9 triệu. Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ khách nhậu, từ người qua đường, nhóm còn nhận được những đồng bạc thơm thảo của những người bán vé số, bánh tráng trộn. Thậm chí, ngay cả những xe kẹo kéo khi thấy nhóm cũng xin vào hát góp sức”, chị Ngọc kể.
Tuy nhiên, không phải là không có những cái xua tay, lắc đầu. Nhiều chủ quán nhậu khi thấy nhóm từ xa đã phủi tay. Thậm chí, có quán còn làm biển dán: “cấm hát rong”. “Cũng buồn nhưng chỉ chút thôi. Anh chị em trong nhóm thường động viên nhau chỉ cần mình cố gắng thêm chút nữa, ân cần thêm chút nữa, mồ hôi của mình có đổ thêm chút nữa mà san sẻ được phần nào khó khăn của người đời thì hãy cứ ráng” – Hoàng Hiếu (24 tuổi, thành viên của nhóm) chia sẻ.
Tất cả vì nụ cười em thơ
“Một bài hát – Vạn tấm lòng – Triệu ước mơ” là thông điệp mà nhóm Hát rong từ thiện gửi gắm. “Với mỗi bài hát đều được các thành viên hát bằng tất cả tình yêu đời, yêu người. Mong muốn một xã hội bớt khổ đau, muốn em thơ luôn được vui cười. Trên hết, là khát khao giành lại sự sống cho những bệnh nhi khó khăn” – chị Ngọc bộc bạch.
Đều là những người có tâm huyết với từ thiện, 20 thành viên của nhóm đã từng chung tay với rất nhiều dự án thiện nguyện, quen mặt ở rất nhiều bệnh viện. “Mình nhận ra rằng, đôi khi chỉ cần vài ba triệu đồng thôi nhưng cũng có thể là cứu cánh của cả một gia đình khốn khổ có con đang nằm viện…” – Kim Ngọc (25 tuổi, thành viên của nhóm) bộc bạch.
“Một bài hát – Vạn tấm lòng – Triệu ước mơ” là thông điệp mà nhóm Hát rong từ thiện gửi gắm. “Với mỗi bài hát đều được các thành viên hát bằng tất cả tình yêu đời, yêu người. Mong muốn một xã hội bớt khổ đau, muốn em thơ luôn được vui cười. Trên hết, là khát khao giành lại sự sống cho những bệnh nhi khó khăn” – chị Ngọc bộc bạch. |
Số tiền đi hát được các thành viên của nhóm trích ra hỗ trợ các bệnh nhi nghèo, một phần hỗ trợ người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, một phần hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa. Tính đến thời điểm này, nhóm đã hỗ trợ 100% tiền chữa bệnh cho 36 bệnh nhi khỏe mạnh trở về nhà, gần 1.000 phần quà đã được trao tay trẻ em nghèo ở khắp các vùng miền như Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau, hàng trăm phần quà cho các cụ già neo đơn, bà con vùng khó.
Có con trai bị tim bẩm sinh từng phải nằm ở BV Nhi đồng 2 suốt ròng rã mấy tháng trời để chữa bệnh, có những lúc hy vọng sống của con tưởng chừng đã bị dập tắt, chị Võ Thị Hoài (Đắk Lắk) xúc động nói rằng sự sống của con chị được giành lại từ chính tiếng hát của những người xa lạ. “Thu nhập của cả gia đình chỉ có gần 3 triệu đồng/tháng, lấy tiền đâu mà chữa bệnh. Bé lúc đó 8 tháng mà nặng có 4,5kg, nằm thoi thóp lọt thỏm góc hành lang bệnh viện. Vợ chồng mình đã nhiều lúc buông xuôi… Nhờ có số tiền hỗ trợ của nhóm, bé đã được mổ tim và khỏe mạnh”.
Để đỡ tốn chi phí cho những gia đình ở tỉnh chờ tái khám, nhóm đã liên hệ được một cơ sở từ thiện trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) hỗ trợ ăn, ngủ, đi lại.
“Nhiều người nói chúng mình dại, cuối tuần nghỉ ngơi chẳng muốn lại rước mệt vào mình. Có người lại hoài nghi về tính thiện nguyện của nhóm, họ nói chúng mình quyên góp tiền để… ăn chặn. Không sao cả. Bởi tất cả các thành viên, mỗi người mỗi nghề nhưng khi đến với nhóm, khi cất lên lời ca, tiếng hát, chúng mình chỉ có chung một khát khao duy nhất là nụ cười hồn nhiên của em thơ, là cái thở dài nhẹ nhõm của người mẹ nghèo… Đời mà, hãy cứ cho đi thật thật nhiều” – nữ trưởng nhóm nghẹn ngào.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)