Sau cơn bạo bệnh run lẩy bẩy tay chân thập tử nhất sinh, tưởng chừng “mất ngôn ngữ” ở năm cuối cùng của thế kỉ trước, bằng phép màu kì diệu của phương pháp Phathata (Pháp-thân-tâm) do ông nghĩ ra và kiên trì tự luyện tập, ông đã dần dần hồi sinh và tiếp tục làm thơ. Báo xuân Giáo Dục TP.HCM năm 2009 đã giới thiệu bài thơ mới của ông Lều cỏ hoa sim, lời của kẻ mới “đầu thai”, đọc thật thích. Báo xuân Giáo Dục TP năm nay xin giới thiệu với bạn đọc tác phẩm dài hơi Hát ru Việt sử thi của Phạm Thiên Thư sắp xuất bản nhân chào mừng ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Nhà thơ Phạm Thiên Thư là tác giả của những thi phẩm nổi tiếng bằng thể thơ lục bát mềm mại uyển chuyển của dân tộc: Động hoa vàng (Phạm Duy phổ nhạc), Đoạn trường vô thanh (Hậu Kiều, giải nhất trường ca, Sài Gòn 1973), Kinh hiền ngu (Thi hóa kinh Phật theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam, xác lập kỉ lục)…
Cũng bằng dòng suối ngọt ngào của thể thơ lục bát đã từng rót qua cánh đồng ca dao bất duyệt của dân tộc mình, qua siêu thức hát ru, Phạm Thiên Thư đã bộc lộ khát vọng muốn ru người đọc “Bớt khổ, dưỡng sinh, đại đồng” như trong lời mở đầu Đôi dòng siêu thức.
Hát ru cho mạnh dưỡng sinh/ Vào câu vô thức cho tình nghìn thu/ À ơi! Cho cháu lời ru/ Cất từ cái thuở sương mù cha ông/ Chim Hồng chim Lạc qua sông/ Bay qua Việt sử từng dòng là thơ/ Đêm đêm nhịp võng trăng mờ/ Trăng soi câu hát ru hờ con tim/ Tay bà hóa cánh chim lên/ Nhẹ đưa nhịp võng ru-thuyền tương lai/ Lòng bà thành chiếc võng đay/ Hồn quê thơm điệu ru nầy, à ơi!/ Mai sau khôn lớn làm người/ Đi lên chân bước tuyệt vời mênh mông.
Hát ru Việt sử thi dài 3.325 câu thơ lục bát (chưa kể Đôi lời thư giản: Kinh ca dao-dưỡng sinh-Phathata, với 26 trang cuối sách). Qua tầng tầng lớp lớp những bài hát ru nối tiếp nhau xuyên suốt trường kì lịch sử dân tộc từ thuở sương mù hình thành và quá trình dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước của cha ông ta xưa, Phạm Thiên Thư đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc về ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh xương máu để giành độc lập tự do cho dân tộc:
Thà chết-cho sử thêm son/ Hơn sống nô lệ cúi lòn ngoại bang.
Hát ru về Trưng Vương:
Mình voi hai vị nữ vương/ Uy nghi giáp bạc, giáp vàng như hoa/ Giáo gươm nhật nguyệt sáng lòa/ Điều quân toàn tướng đàn bà ngựa dong.
Hát ru quân sử:
Hy sinh vì nước vì non/ Kể chi già trẻ, sống còn phải toan/ Hội cờ họp bến Bình Than/ Trái cam bóp nát-can tràng tuổi thơ.
Hát ru kháng chiến 10 năm đánh giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi ở núi rừng Lam Sơn như là lời hát ru mới năm nào:
Con nằm chiếc võng dù căng/ Võng từng theo bố rừng chăng tháng ngày/ Che mưa, che nắng, che mây/ Ngắm trăng qua vạt vải dày màu xanh/ Có đêm vượt núi quân hành/ Súng là người bạn, võng thành người yêu/ Theo chân bốt nát, đồn tiêu/ Tưởng đâu Lê Lợi cờ reo đại ngàn/ Võng thành mây biếc ngụy trang/ Ngày mờ khói xám, đêm vang đạn hồng/ Bây giờ con lại nằm trông/ Ngủ đi chút dậy cho bông hoa quì/ Mẹ con ra chợ mua gì/ Bố còn một cánh tay ghì ôm con/ Một chân vuông, một chân tròn/ Ngày về bố chỉ nguyên còn trái tim/ À ơi! Con ngủ cho im/ Ru con trang sử thi tìm hồn thơ.
Hát ru Việt sử thi có những khúc hát ru đẹp về lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam, về sự giao thoa dung hòa tinh hoa của Nho giáo, Lão giáo của Trung Quốc và Phật giáo của Ấn Độ:
Lý triều tam giáo đồng nguyên/ Gôm tinh hoa lại làm nên sức mình.
Vốn từng là nhà sư thông tuệ về Phật giáo Việt Nam, thi hóa thành công nhiều kinh Phật, nên tác giả đã có những khúc hát ru phơi diễn đạo Phật thật hay:
Đạo theo những cánh buồm cao/ Du tăng Đông Độ ghé vào Giao Châu/ Tạo nên nề nếp ban đầu/ Càng yêu dân tộc, càng sâu sức thiền/ Bụt ra-Cô Tấm thành tiên/ Nắm xương cá bống cũng nên phượng hồng.
Một ngấn tích son của Phật giáo Việt Nam là nhập thế trong lòng dân tộc, giúp dân giúp nước cứu đời. Khúc hát ru về Thiền Sư Vạn Hạnh cho ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất thân của vua Lý Thái Tổ và nghĩa ân từ nhà chùa:
Ngày xưa có một cảnh chùa/ Có thầy Vạn Hạnh già nua bạc đầu/ Thầy trầm tư lẽ nhiệm mầu/ Làm sao hiện hóa Giao Châu diệu huyền/ Giúp sao cho vạn đời lên/ Cho nhân sinh hóa uyên tuyền một phương/ Tìm trong kinh sử cho tường/ Tìm trong thiền đạo con đường hội thông/ Chăm lo dạy dỗ tiểu đồng/ Lòng thầy như ngọn lửa hồng sáng soi/ Tre già cho lớp măng coi/ Dạy người để cứu giống nòi lầm than/ Dạy con nuôi Lý Khánh Vân/ Là Lý Công Uẩn tinh thần sáng cao/ Rõ ràng một bậc anh hào/ Thầy đem nhật nguyệt gửi vào tuổi thơ/ Truyền võ nghệ, giảng binh thơ/ Thiền tâm, học thuật mong chờ rồng bay/ Biết bao tâm huyết đêm ngày/ Con đường Vạn Hạnh trao tay một người/ À ơi! Đi kiếm cả đời/ Mong sao gặp được như người mà trao.
Hát ru Việt sử thi đưa người đọc về với từng bước chân lịch sử hào hùng, tô thắm truyền thống văn hóa lâu đời sáng ngời chủ nghĩa nhân văn của dân tộc. Qua đó, Phạm Thiên Thư còn phơi diễn những kiến giải thâm thúy, mới lạ, thật thú vị:
Hát ru về Phù Đổng Thiên Vương như là hát ru về lòng dân:
Lòng người khiến ngựa sắt phi/ Trúc tre cũng biết đền nghì nước non.
Hát ru về sự tích trầu cau như là hát ru về những phẩm chất cao quí trong tâm hồn người dân Việt:
Thẳng gì-Hơn những thân cau/ Mềm gì-Hơn những dây trầu leo quanh/ Cứng gì-Hơn đá non xanh/ Trầu, cau, vôi quyện đỏ vành môi tươi.
Hát ru về bánh dày bánh chưng mà Lang Liêu được vua cha truyền ngôi như là hát ru về đạo pháp trị đời giúp dân:
Bệ rồng lệnh đã ban ra/ Các con thi cỗ để mà truyền ngôi/ Việc nầy hẳn ý xa xôi/ Cỗ là pháp đại trị đời giúp dân.
Bởi vì, theo nhà thơ:
Bánh tròn như một mặt trời/ Bánh vuông như ruộng lúa ngời nương xanh/ “Tròn vuông” là nghĩa trọn tình/ Cũng là đạo sống thực hành nguyên sơ.
Hát ru về cổ tích Tấm Cám như là hát ru về diệu kì hóa thân. Hát ru về thần Kim Quy như là hát ru về trí thức Việt giúp dân giúp nước:
Ngày xưa có thần Kim Quy/ Người cầm qui cách khác chi khuôn vàng/ Hẳn là trí thức Văn Lang/ Giúp dân giúp nước chẳng màng lợi danh.
Hát ru về Từ Thức về trần (Có thể tách riêng thành 1 truyện thơ đặc sắc) như là hát ru về triết lý sáng tạo của người Việt. Bởi vì theo tác giả, cõi tiên không có nhân nghĩa, cái đẹp và giàu sang vô hồn, cái tuyệt đích hết ước mơ, không còn tinh thần sáng tạo:
Thế là từ bỏ cõi tiên/ Về trần kiếm cái sâu bền nhân gian/ Người nghệ sĩ của Việt Nam/ Cái tôi biến mất còn trang tuyệt vời/ Ông cha gửi cái không lời/ Nằm trong cổ tích truyền đời cháu con/ Cần chi tạc đá sườn non/ Trái tim để lại không mòn biển dâu…
Thực ra, Hát ru Việt sử thi đã được Phạm Thiên Thư thai nghén và phát thảo từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỉ XX. Tác giả đã có quá trình nghiên cứu, truy đọc tài liệu lịch sử nước nhà thật dày công. Đọc những chú thích về niên đại, về địa chính, về hoàn cảnh xuất thân và hành trang những gương anh hùng và những nhân vật văn hóa theo từng bước chân lịch sử Việt, ta mới thấy tác phẩm là một công trình nghiêm túc như thế nào! Kể chuyện lịch sử bằng văn vần đã là khó. Do vậy, bên cạnh những câu thơ mang tính chất diễn nôm lịch sử nhắc nhớ lại lịch sử nước nhà, tác phẩm Hát ru Việt sử thi đã thi hóa lịch sử Việt, mang lại cho người đọc, nhất là bạn đoc trẻ tuổi con cháu chúng ta, những khúc hát ru ngọt ngào tình tự dân tộc, ru hồn ta lớn lên…
Trần Thoại Nguyên
Bình luận (0)