Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hạt sạn trong ngành du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Khách Việt Nam 350.000 đồng/phòng đôi, khách ngoại quốc 36 USD (khoảng 750.000 đồng)/phòng đôi, đều tiêu chuẩn hai sao”, nhân viên khách sạn Ninh Kiều 1 (Cần Thơ) báo giá. Hướng dẫn viên Nguyễn Bảo Xia bối rối gọi điện về cho ông Nguyễn Văn Mỹ – giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt báo cáo. Chấp nhận để khách có chỗ nghỉ, hy vọng thương lượng lại sau với ban giám đốc khách sạn, nhưng ông Mỹ tỏ ra không hài lòng bởi khách sạn Ninh Kiều 1 không nêu một lý do nào giải thích vì sao có hai giá chênh lệch nhau như vậy.

Du khách nước ngoài tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ (ảnh mang tính minh hoạ) 

Đây không phải là lần đầu khách nước ngoài đến Việt Nam phải chịu cảnh hai giá. Bà June Nhung năm vừa rồi đưa chồng (người nước ngoài) về Việt Nam du lịch, đến khách sạn C.L. ở Vĩnh Long cũng phải chịu giá phòng cao. Theo bà Nhung, phía khách sạn giải thích rằng, nếu cả hai đều là Việt kiều thì có thể “ưu ái” được tính theo giá người trong nước, nhưng do có người nước ngoài, nên trả tiền phòng theo giá người nước ngoài. Bà Nhung lấy làm lạ rằng, hai vợ chồng ở chung phòng, nhưng tiền phòng của ông cao hơn gấp rưỡi so với của bà!

Hiện tượng hai giá, trong đó khách nước ngoài phải trả giá cao hơn khách trong nước ở ngành du lịch, vận tải dần biến mất khi các hãng có vị thế độc quyền như đường sắt, hàng không xoá bỏ chính sách này. Ở các địa phương như Nha Trang, Phan Thiết, Mũi Né, Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Chữ, hầu hết khách sạn, resort áp dụng cùng một mức giá cho khách trong và ngoài nước thì một vài điểm ở miền Tây vẫn còn sự phân biệt đối xử. Điều này làm khách mất thiện cảm và không muốn quay lại.
Du lịch Việt Nam, theo báo cáo cạnh tranh du lịch do diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện, được xem có thế mạnh về di sản văn hoá, di sản thiên nhiên, nhưng bị đánh giá thấp ở hạ tầng du lịch, môi trường. Một điểm yếu chưa được khắc phục là khả năng quay trở lại của du khách vẫn còn thấp. Vì vậy, việc tạo mối liên kết giữa các đơn vị trong ngành để có một sản phẩm hấp dẫn, có tính cạnh tranh là điều quan trọng mà một hạt sạn như chuyện hai giá, có thể biến công sức của nhiều đơn vị trở thành công cốc.
Nguyệt Hồng / SGTT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)