Tập tành hát vọng cổ từ khi học tiểu học, đến nay Đặng Thị Hồng Như – HS lớp 6A4 Trường THCS Hòa Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) – đã có thể phụ nuôi bà nội qua những “sô” diễn miệt vườn.
Bén duyên vọng cổ
Trước khi đi hát vọng cổ khắp nơi trong xã như bây giờ, Hồng Như từng làm “ca sĩ cấp nhà”. Lúc học lớp 4, mỗi khi làm công việc nhà hay nằm đưa võng, Hồng Như cứ nghêu ngao hát hết bài này đến bài khác.
Rồi một lần Hồng Như được cô hàng xóm giới thiệu đến học hát ở nhà thầy Năm Đờn (nghệ danh của bác Võ Văn Truyền – thành viên CLB đờn ca tài tử xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Hồng Như “ra mắt” thầy Năm Đờn bằng bài hát Nội tôi. Nghe giọng của Như “ngọt, đúng dây đờn, đúng nhịp, có thể phát triển hát vọng cổ” (lời thầy), thầy Năm quyết định nhận dạy Hồng Như liền.
Thử sức đầu tiên mà thầy Năm Đờn dành cho Hồng Như là về nhà nghe băng cassette và học thuộc bài Phụng hoàng kèm theo lời nhắn của thầy: “Chừng nào hát được như trong băng thì lên hát cho thầy nghe”.
Đây quả là thử thách cho Hồng Như. Vậy mà hai ngày sau, Hồng Như đã thuộc cả bài và trình diễn cho thầy Năm nghe. Bài vọng cổ “xàng, xê” (lên xuống giọng) thế nào, Hồng Như hát y như vậy, thầy Năm chỉ cần chỉnh sửa một vài chỗi.
Vậy là con đường vọng cổ của Hồng Như bắt đầu từ lúc đó. Bây giờ Hồng Như đã hát được nhiều bài vọng cổ như Lưu thủy, Trời thủ đô, Thương quá mẹ ơi.
Vừa rồi, Hồng Như còn đoạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất và giải C với bài vọng cổ Ánh sáng soi đường trong hội thi đờn ca tài tử – cải lương huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
"Để con đi hát đỡ đần nội"
Khi đã hát mượt mà từng câu chữ, Hồng Như được thầy Năm Đờn cho đi hát phục vụ các đám tiệc của bà con trong xã từ đám cưới, đám hỏi cho đến đám thôi nôi, đầy tháng cùng với nhóm nhạc của thầy Năm.
Sô nào người ta mời nhóm nhạc của thầy Năm đều có Hồng Như tham gia. Hồng Như kể: “Lần đầu tiên mình hát trước nhiều người mình lo lắm! Lo vì từ trước đến giờ chưa hát vọng cổ, không biết người ta nghe thấy sao. Sau khi Như hát xong, không ngờ người ta vỗ tay khen quá trời!”.
Ngày đầu tiên, Hồng Như được trả công 130.000 đồng. Hồng Như giữ lại 30.000đ đóng tiền học tăng tiết môn Toán và Anh văn, còn bao nhiêu gửi bà nội với lý do: “Mình gửi nội để nội phát tiền cho mình đi học hằng ngày, mua đồ dùng học tập cho mình. Từ khi ba mẹ chia tay đến giờ, ba và bà nội nuôi bốn chị em mình ăn học. Bà nội cực khổ nhiều rồi, mình phải phụ bà nội chứ!”.
Mơ ước sau này như chị Quế Trân
Vọng cổ cuốn hút Hồng Như không chỉ bởi những giai điệu ngọt ngào mà còn là: “Qua các bài vọng cổ, Như được biết nhiều hơn về lịch sử nước mình, biết nhiều hơn về Bác Hồ. Từng câu từng chữ giúp Như ngẫm nghĩ kỹ hơn về cuộc sống, gia đình. Như còn học được ở thầy Năm tính kiên nhẫn và không ngừng học hỏi. Bàn tay của thầy chỉ cử động được hai ngón mà thầy vẫn tự mày mò học đàn, đánh đàn rất hay, rồi tìm kiếm các bài vọng cổ để tập cho mọi người”.
Ước mơ của Hồng Như sau này là trở thành một nghệ sĩ cải lương như nghệ sĩ Quế Trân. Hồng Như nói: “Mình sẽ cố gắng học hát cũng như là học ở trường. Vì bà nội mình có dặn phải học tốt thì sau này mới làm nghệ sĩ được!”.
Chúng mình cùng chúc Hồng Như thành công nha các bạn!
NGUYỄN THẮM / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)